Đối thoại trực tuyến về các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội

Các khách mời của Chương trình: LS. Trần Xuân Thành, Ts. Hồ Quang Huy, Ts. Trần Văn Dũng
Các khách mời của Chương trình: LS. Trần Xuân Thành, Ts. Hồ Quang Huy, Ts. Trần Văn Dũng
(PLO) - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) có những quy định gì mới về người chưa thành niên phạm tội”? Các khách mời của Chương trình gồm: TS. Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; Luật sư Trần Xuân Thành, Giám đốc công ty luật Vũ Trần; TS. Hồ Quang Huy - Ủy viên BCH Đoàn khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ cung cấp tới quý độc giả những thông tin hữu ích. 

Luật số 12/2007/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 20/6/2017 và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Có thể nói, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 là một văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Trong số những quy định mới tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017, đáng chú ý có những quy định liên quan đến đối tượng người chưa thành niên phạm tội.  Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 liên quan đến đối tượng người chưa thành niên phạm tội, hôm nay (7/11), Đoàn Thành niên Bộ Tư pháp phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến xoay quanh chủ đề nêu trên. 

Các chuyên gia sẽ cung cấp tới Quý độc giả nhiều thông tin hữu ích về Bộ luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội
Các chuyên gia sẽ cung cấp tới Quý độc giả nhiều thông tin hữu ích về Bộ luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội

Bạn đọc Đàm Văn Thái (Định Quán, Đồng Nai) hỏi: Cháu tôi mới 14 tuổi bị các bạn rủ rê hiếp dâm một bé gái nhưng vì sợ, cháu chỉ đứng trông chừng cho các bạn hiếp bé gái kia thì có phạm tội không? Cháu tôi có bị xử lý hình sự không?

TS Trần Văn Dũng (bên phải) đang trả lời câu hỏi của độc giả
TS Trần Văn Dũng (bên phải) đang trả lời câu hỏi của độc giả

TS. Trần Văn Dũng: Theo quy định tại Khoản 2, Bộ Luật Hình sự 2015,người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tôi, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em.

Câu hỏi của ông đưa ra chưa xác định rõ bé gái bao nhiêu tuổi. Nên tùy từng trường hợp có thể bị xử về tội hiếp dâm, hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Giả thiết nạn nhân dưới 13 tuổi thì là trường hợp này xử lý rất nặng, có mức phạt từ 7 năm đến 15 năm.

Trường hợp cháu ông mới đủ 14 tuổi không cùng các bạn hiếp dâm mà đứng trông chừng cho các bạn thì hành vi đó vẫn xử lý về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và thuộc trường hợp đồng phạm. Tuy nhiên, cần xác định rõ, cháu ông đã tròn 14 tuổi chưa, nếu chưa sẽ áp dụng các biện pháp khác. Còn nếu 14 tuổi cơ quan điều tra sẽ cân nhắc tính chất hành vi vi phạm, nhân thân của cháu ông và các điều kiện có thể giám sát giáo dục các cháu ngoài cộng đồng mà quyết định có truy tố cháu ông hay không. Đây cũng là một chính sách rất mới của Bộ Luật hình sự 2015.

Bạn đọc Nguyễn Thúy Liên – Cà Mau: Xin hỏi người chưa thành niên phạm tội thì có bắt buộc phải thuê luật sư hay không, hay được nhà nước phân công luật sư bào chữa miễn phí? 

Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc công ty luật Vũ Trần: Theo quy định, đối với các trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội thì không nhất thiết phải thuê luật sư mà cơ quan tiến hành tố tụng ở từng giai đoạn sẽ phải có văn bản đề nghị đoàn luật sư cử luật sư bào chữa miễn phí.

Luật sư Trần Xuân Thành (bên trái) đang trả lời câu hỏi của độc giả
Luật sư Trần Xuân Thành (bên trái) đang trả lời câu hỏi của độc giả

Về bản chất, người chưa thành niên được quyền thuê luật sư. nếu không thuê luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử. Như vậy, dù không thuê luật sư thì trong mọi trường hợp, người dưới 18 tuổi bị truy tố đều có luật sư để bảo vệ quyền lợi  hợp pháp của họ.

Bạn đọc Vũ Hòa Bình (Lương Sơn, Hòa Bình) hỏi: Trước khi bước sang tuổi 14 khoảng 2 ngày, con tôi có tham gia đánh một học sinh trong lớp khiến cậu học sinh kia chấn thương đầu, bị giảm thị lực, gẫy chân. Xin hỏi con tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu bị xử lý thì sẽ bị xử phạt thế nào?

TS. Trần Văn Dũng: Theo quy định tại Điều 12 của  Bộ Luật hình sự 2015, người tròn 14 tuổi là độ tuổi thấp nhất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cháu ông chưa tròn 16 tuổi nên không bị xử lý hình sự trong trường hợp này.

TS. Trần Văn Dũng
TS. Trần Văn Dũng

Tuy nhiên bản thân ông và gia đình cần có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục để các cháu không tái phạm. Đồng thời nếu nạn nhân phải đi chữa bệnh, có những thiệt hại thì ông và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 167 năm 2013 về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bạn đọc Nguyễn Thị Nghĩa ở Bắc Giang hỏi: Ông đánh  giá như thế nào về tính chất, mức độ, diễn biến của tội phạm dưới 18 tuổi?

Luật sư Trần Xuân Thành (ngoài cùng bên trái) chia sẻ, nhiều bị cáo là người chưa thành niên tâm sự, nếu biết hành vi đó là phạm tội thì đã không làm
Luật sư Trần Xuân Thành (ngoài cùng bên trái) chia sẻ, nhiều bị cáo là người chưa thành niên tâm sự, nếu biết hành vi đó là phạm tội thì đã không làm

Luật sư Trần Xuân Thành: Với tư cách luật sư, tôi đã bào chữa cho nhiều người phạm tội dưới 18 tuổi. Qua đó, thấy diễn tiến tình hình tội phạm trong những năm gần đây rất phức tạp, có xu hướng gia tăng về số lượng vụ án, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cũng tăng.

Tuy nhiên,các loại tội phạm do các đối tượng ở lứa tuổi này gây ra chất thường mang tính tự phát. không mang tính chuyên nghiệp, hành vi phạm tội do bối cảnh cuộc sống, thiếu sự giáo dục của gia đình, xã hội, phạm tội do nhận thức hạn chế, dễ bị sa ngã. Đặc biệt trong bối cảnh  hiện nay chúng ta hội nhập sâu, mạng xã hội, sự phát triển của thông tin ẩn chứa nhiều nguy cơ vì các em ở lứa tuổi này nhận thức còn hạn chế, chưa có khả năng sàng lọc thông tin, dễ bị sa ngã. 

Bạn đọc Châu Thành (Thái Bình) hỏi: Con trai tôi sắp 16 tuổi, mới đây cháu có lấy xe máy của gia đình tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông chặn lại và lập biên bản xử phạt trực tiếp. Vậy xin hỏi việc xử phạt con trai tôi như vậy là đúng hay sai?

TS. Hồ Quang Huy: Việc CSGT chặn lại do cháu có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ là đúng với quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề này đã được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT đường bộ. Kết hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì người đại điện pháp luật là cha mẹ của cháu phải nộp phạt do hành vi vi phạm pháp luật mà cháu gây ra.

Bạn đọc Giang Trung Kiên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Trẻ vị thành niên phạm tội bị xử lý hình sự có thể được bảo lãnh miễn tù giam không? Nếu có thì xin cho biết các quy định và thủ tục để thực hiện bảo lãnh. Xin cảm ơn.

TS. Trần Văn Dũng:  Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định cho phép trong một số trường hợp được bảo lãnh tại ngoại. Cũng cần lưu ý là bảo lãnh tại ngoại khác với bảo lãnh miễn tù giam như ông hỏi. Theo đó tùy từng loại tội và từng đối tượng, đặc biệt là nhân thân của họ mà cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu biện pháp đặt tiền để bảo lãnh tại ngoại. Ông nên liên hệ với cơ quan đang thụ lý vụ án này để được tư vấn, giải thích xem trường hợp của cháu ông có được áp dụng biện pháp này không.

Bạn đọc Lưu Thanh Hoà, ở Đà Nẵng gửi câu hỏi tới ông Hồ Quang Huy: Bối cảnh thực tế hiện nay đang đặt đối tượng người chưa thành niên trong đó có đoàn viên thanh niên đứng trước rất nhiều thách thức. Ông có thể chia sẻ thêm về những nguy cơ, thách thức có thể dẫn dắt người chưa thành niên đứng trước nguy cơ thực hiện hành vi phạm tội được không?

Theo Ts. Hồ Quang Huy, có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên
Theo Ts. Hồ Quang Huy, có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên
Ts. Hồ Quang Huy: Thực tế hiện nay, tôi nhận thấy có rất nhiều thách thức dẫn đến hành vi phạm tội. Có 4 yếu tố chính:

1.   Xuất phát từ tâm sinh lý đối tượng

Trong quá trình hoàn thiện hình thành nhân cách, trẻ vị thành nên dễ bị kích động, lôi kéo dẫn đến việc vi phạm. Thiếu định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến phạm tội ở trẻ vị thành niên

2. Bên cạnh việc nỗ lực chung, tạo môi trường học tập, bố mẹ, người thân chưa chú trọng đào tạo giúp đỡ và theo dõi con cái. Gia đình buông lỏng dẫn đến sự hư hỏng, phạm tội, hình thành thói quen thích hưởng thụ, thực hiện hành vi sai trái.

3. Môi trường giáo dục của nhà trường. Theo đó, nhiều nhà trưởng đã làm tốt việc truyên truyền đối với trẻ vị thành niên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, bên canh đó vẫn có nhiều nhà trường chưa thật sự giáo dục tốt, chưa sâu sắc để hình thành nhân cách tốt. Nhiều nhà trường chạy theo hình thức, thành tích mà lơ là việc giáo dục cho các em về kỹ năng sống vf bản lĩnh.

4. Môi trường cùng sự phát triển dẫn đến thay đổi, kết cấu xã hội lỏng lẻo, sự quan tâm giúp đỡ ở xã hội không có, tác động tiêu cực đó dẫn  đến lối sống thực dụng và thích hưởng thụ, ko hình thành nên nhân cách rõ ràng

4 điều trên anh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về nhan cách của trẻ. Cần có những quản lý chặt chẽ hơn từ phía nhà trường và gia đình đối với các em.

Bạn đọc Chu Thuý Hoà ở Đắk Lắk hỏi: Trường hợp nào thì trẻ em phạm tội được đưa vào trường giáo dưỡng, trường hợp nào thì phải đi tù? 

Luật sư Trần Xuân Thành:  Điều này được quy định tại  khoản 6 Điều 91 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình thức, và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Từ đó cho thấy, chỉ đối với những trường hợp người dưới 18 tuổi phạm những tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tính chất của hành vi là rất nguy hiểm cho xã hội thì tòa án mới cân nhắc để áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Còn lại, trên tinh thần sẽ áp dụng những biện pháp tư pháp, đưa vào cơ sở giáo dưỡng, trường giáo dưỡng

Bạn đọc Hoàng Thị Lan ở Kiên Giang hỏi: Với nghề nghiệp luật sư, nắm chắc vấn đề này, theo ông trách nhiệm của xã hội và bản thân luật sư đối với việc đưa các quy định này vào cuộc sống, ngăn chặn tội phạm lứa tuổi vị thành niên?

Nhiều câu hỏi được gửi tới Luật sư Trần Xuân Thành
Nhiều câu hỏi được gửi tới Luật sư Trần Xuân Thành

Luật sư Trần Xuân Thành: Cá nhân tôi thấy rằng để Bộ luật đi vào thực tiễn bắt buộc phải tuyên truyền, tuyên truyền làm sao để nó đi vào đời sống của người dân, để người dân biết thế nào là phạm tội Thực tế có nhiều người khi làm rồi họ mới bảo: Biết là phạm tội họ không làm. Phải tuyên truyền đúng, đến được với người cần tuyên truyền, không phải cứ hô hào, nhưng tuyên truyền không triệt để phải tuyên truyền đến tận xóm làng, cả nước phải bắt tay bà.

Liên đoàn luật sư thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, trong thực tiễn,cũng tuyên truyền cho người dân biết. Chúng tôi thông qua các bài viết, những chia sẻ về các quy định mới trên mạng xã hội để người dân hiểu được.

Chúng tôi cũng tổ chức những buổi tư vấn miễn phí cho  người dân .

Bạn đọc Trần Kim Xuyến (Hà Nam) hỏi: Xin chào chuyên gia, cháu của tôi 15 tuổi, do ăn chơi, đùa đòi cùng với việc bạn bè rủ rê nên đã đi cướp tài sản. Năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Kim Bảng tuyên cháu 2 tù giam. Đến tháng 11 sắp tới này cháu được ra tù, hòa nhập cộng đồng. Do cháu còn trẻ, tương lai phía trước, mà án tích việc cháu đi tù khiến cháu khó tìm được việc làm như mong muốn nuôi bản thân và hòa nhập cộng đồng. Vậy, xin hỏi các chuyên gia về việc xóa án tích của người chưa thành niên. Xin cám ơn các chuyên gia.

TS. Trần Văn Dũng: Trường hợp ông hỏi đề nghị ông tham khảo Khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, trường hợp cháu của ông phạm tội trong gia đoạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì Bộ luật hình sự 2015 đã coi trường hợp này không có án tích. Do đó việc tái hòa nhập cộng đồng với trường hợp của cháu không ảnh hưởng gì liên quan đến án tích.

Cũng cần lưu ý đây là điểm khác giữa Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015, do đó, ông có thể đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Văn phòng Luật sư để được giải thích thêm.

Bạn đọc Nguyễn Nam Em, ở Bình Định hỏi: Theo ông, những quy định mới trong Luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống pháp luật và việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội nói chung việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên nói riêng?

Luật sư Trần Xuân Thành: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đến 1/1/2018 mới có hiệu lực, nhưng đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Trước hết tôi khẳng định nó có ý nghĩa rất lớn.

Hiến pháp 2013 đã có giá trị trong thực tế, Luật hình sự 2017 góp phần cụ thể hóa, phù hợp hiến pháp và các đạo luật khác đã được ban hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, luật Hôn nhân gia đình, luật Đầu tư... Điều này thể hiện sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự thể hiện trình độ, kỹ thuật lập pháp, đảm bảo sự thống nhất, với các đạo luật khác và trong chính nội tại bộ luật này.

Ngoài ra, VN đang hội nhập sâu rộng, Bộ luật Hình sự 2017 đã cụ thể hóa, nội luật hóa được nhiều điều ước quốc tế, như về tội phạm xuyên quốc gia, công ước về quyền trẻ em... Như vậy không chỉ đồng bộ với luật trong nước mà còn minh bạch, hội nhập quốc tế, nâng tầm Việt Nam.

Thông qua bộ luật này, còn góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là với người dưới 18 tuổi.

Hiện bộ luật đã thể hiện quan điểm rõ: bảo đảm tốt nhất về quyền lợi của người dưới 18 tuổi. Nhiều  quy định mới, chi tiết nhằm bảo vệ tối đa cho người chưa thành niên, phù hợp với công ước về quyền trẻ em, góp phần bảo vệ trẻ em, tuyên truyền phòng chống tội phạm.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hải ở Ba Đình, Hà Nội hỏi:  Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội liên quan đến người chưa thành niên, cùng với các gia đình, nhà trường, xã hội, Đoàn thanh niên có một vai trò rất quan trọng. Từ góc độ của tổ chức Đoàn thanh niên, theo ông, tổ chức đoàn các cấp cần phải làm gì để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên?


TS. Hồ Quang Huy:  theo tôi, để làm được điều này, có 1 số việc mà Đoàn Thanh  niên cần phải triển khai. Cụ thể: 

Thứ 1: Đoàn thanh niên cần có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật hình sự. Đặc biệt liên quan đến chế định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ 2: Thông qua các chương trình, kế hoạch, hoạt động của đoàn  cần phải kết hợp chặt chẽ với các thiết chế có liên quan cũng như với gia đình và nhà trường để tạo ra môi trường xã hội tốt, giúp trẻ dưới 18 tuổi tránh xa tác động tiêu cực từ phía môi trường xã hội.

Thứ 3: Các cấp bộ đoàn cần xây dựng đội ngũ tư vấn, tuyên truyền viên pháp luật để tham gia tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp thanh thiếu niên phạm tội.

Thứ 4: Thường xuyên tổng hợp, phản ánh kịp thời mong muốn, nguyện vọng của thanh thiếu niên để từ đó kịp thời tư vấn, kiến nghị với các cấp chính quyền trong việc hoạch định chính sách tạo môi trường tốt cho đoàn viên, thanh thiếu niên được lao động, hoạt động cống hiến.

Bạn đọc Trần Quốc Thái (Nam Định) hỏi: Nhà tôi thường xuyên bị mất trộm vặt. Gần đây nhất vợ tôi mất một điện thoại di động trị giá hơn 2 triệu đồng và tôi bắt quả tang kẻ trộm là con trai nhà hàng xóm, đang học lớp 11. Tôi đã báo công an và công an chỉ nhắc nhở, để hai gia đình hòa giải với nhau. Nhưng sau đó, con trai hàng xóm đánh con trai tôi chảy máu mồm. Xin hỏi hành vi của con trai nhà hàng xóm có phạm tội hình sự không? Nếu có thì tôi cần tố giác thế nào?

Ts. Trần Văn Dũng (bên phải)
Ts. Trần Văn Dũng (bên phải)

TS. Trần Văn Dũng: Theo nội dung của ông hỏi thì cậu học sinh tình nghi phạm tội học lớp 11 nhưng chưa cụ thể là bao nhiêu tuổi. Nếu cậu này ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Bộ luật hình sự 2015 sẽ không bị xử lý hình sự vìđiều luật quy định chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều 173 Bộ luật hình sự 2015 thì trường hợp trộm cắp điện thoại trị giá 2 triệu đồng là trường hợp ít nghiêm trọng.

Nếu cậu học sinh hàng xóm nhà ông đã đủ 16 tuổi và có đủ cơ sở để khẳng định cậu này lấy trộm điện thoại thì có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 điều 12 và khoản 1 điều 173 BLHS. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng việc xử lý hình sự với các cháu độ tuổi này cần cân nhắc hết sức thận trọng.

Theo tôi, trong trường hợp này hành vi không nhất thiết bị xử lý vì chỉ là hành vi trộm cắp vặt. Các đối tượng này chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở và giáo dục tại xã phường là đủ.

Cũng theo câu hỏi của ông cậu con hàng xóm đánh con trai ông chảy máu mồm mà không rõ nguyên nhân dẫn đến xô xát là gì do đó cần xác định thêm động cơ và nguyên nhân hành động đó. Trong trường hợp cần thiết, ông có thể báo cáo với UBND xã, công an xã và các đoàn thể quần chúng kết hợp với nhà trường để giáo dục các cháu.

Độc giả Hồng Yến (Quảng Trị) hỏi: Người chưa thành niên phạm tội có thể chịu các hình phạt nào?

TS. Hồ Quang Huy: Theo quy định của điều 91-BLHS thì không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi. Như vậy, nếu thoả mãn các điều kiện cấu thành tội phạm thì người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng một trong các hình phạt sau đối với mỗi tội phạm:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

-Cải tạo không giam giữ;

- Tù có thời hạn.

Bạn đọc Trần Thanh Nghĩa (công tác tại một cơ quan thi hành án) hỏi: Xin ông cho biết hoạt động sắp tới của Bộ Tư pháp để triển khai thi hành Bộ Luật hình sự sửa đổi trong đó có quy định liên quan đến người chưa thành viên phạm tội?

TS. Trần Văn Dũng: Có thể nói, sau khi QH thông qua Luật sửa đổi bổ sung Bộ Luật hình sựsố 100 năm 2017, ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai trên toàn quốc Bộ Luật hình sự 2015... Chính phủ giao các cấp, ngành địa phương triển khai những nội dung lớn: Rà soát ngay quy định có lợi cho người phạm tội vị thành niên, triển khai xây dựng hệ thống văn bản đảm bảo sự đồng bộ vận dụng trơn tru Bộ Luật hình sự 2015.

Tổ chức quán triệt phổ biến những quy định mới của Bộ luật hình sự 2015, ngày 4/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt trực tuyến toàn quốc về Bộ luật hình sự 2015 với 59 điểm cầu trên toàn quốc. Bản thân chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu để tập huấn chuyên sâu cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới, phối hợp các cơ sở đào tạo rà soát các cơ sở đào tạo luật để chỉnh lý, sủa đổi giáo trình cho phù hợp tinh thần mới của Bộ luật hình sự 2015.

Hy vọng trong thời gian ngắn Bộ luật hình sự 2015 sẽ thấm sâu trong đời sống xã hội, từ người làm công tác xét xử tới lực lượng công an, học sinh... Hy vọng Bộ luật hình sự 2015 được xã hội đón nhận và phát huy trong thời gian gần.

Kính thưa Quý độc giả, trong khoảng thời gian từ 14h đến 15h30 ngày 7/11, các chuyên gia, khách mời của Chương trình đối thoại trực tuyến, gồm: TS. Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; Luật sư Trần Xuân Thành, Giám đốc công ty luật Vũ Trần; TS. Hồ Quang Huy - Ủy viên BCH Đoàn khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc, câu hỏi của độc giả về những quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến ngưười chưa thành niên phạm tội. 

Những câu hỏi mà độc giả đang tiếp tục gửi về sẽ được chúng tôi gửi tới các chuyên gia để có phản hồi tới độc giả trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Quý độc giả!

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện ở phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi và chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi. Những nội dung sửa đổi quan trọng của Bộ luật Hình sự năm 2015 về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

1. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi

Kế thừa các quy định trước đây của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật Hình sự phân loại ra hai nhóm để có chính sách hình sự khác nhau, đó là nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm từ đủ 16 tuổi trở lên.

So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 không sửa đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên nhưng có sửa đổi lớn về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bất kỳ tội danh nào. Nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều, đó là các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sửa đổi phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về việc chuẩn bị phạm tội nếu tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc mọi tội danh; nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong 2 tội danh đó là: giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).

2. Về chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII, bao gồm 5 mục, đó là: Mục quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Mục các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; Mục biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Mục hình phạt và Mục quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích. So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới trong chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cụ thể là:

- Về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội:

+ Bổ sung nguyên tắc: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91) và nguyên tắc: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” (khoản 6 Điều 91).

+ Sửa đổi nguyên tắc: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này” tại khoản 4 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4).

- Thu hẹp phạm vi miễn trách nhiệm hình sự đối với người người dưới 18 tuổi: theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng (đối với tất cả các tội danh có loại tội phạm này), gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Bổ sung một số biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự sẽ bị áp dụng biện pháp giám sát của gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú, học tập, sinh hoạt, lao động. Nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định có các biện pháp giám sát, giáo dục là: biện pháp khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94) và giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).

- Chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thành biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và chỉ giữ lại 1 biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96).

- Bổ sung 3 điều luật quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án và tha tù trước thời hạn có điều kiện.

- Mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích đối với người chưa thành niên phạm tội: Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ coi là không có án tích trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp thì nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015và Bộ luật Hình sự năm 2015, ngoài trường hợp bị áp dụng biện pháp tư pháp, người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý cũng không bị coi là có án tích.

- Sửa đổi quy định thời hạn xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án: Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thời hạn để xoá án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (1/2 thời hạn xóa án tích của người đã thành niên), nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...