Thấm đẫm truyền thống, bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình bày tham luận “Xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát huy truyền thống ngoại giao hoà hiếu nhưng quật cường của dân tộc, ngoại giao luôn là mặt trận chiến lược, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Trong công cuộc đổi mới, ngoại giao cùng các cấp, các ngành đóng góp quan trọng vào giữ môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành tựu của ngành ngoại giao luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết.
“Chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành, bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh về tổ chức và lực lượng. Đặc biệt, đã từng bước xây dựng một trường phái ngoại giao Việt Nam, độc đáo dựa trên nền tảng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đẫm truyền thống bản sắc ngoại giao và khí phách, cốt cách của dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới. Với thế và lực mới sau 35 năm đổi mới, cả nước ta đang ra sức chiến đấu với ý chí, quyết tâm cao, thực hiện khát vọng và tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỉ XXI và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong khi đó, thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp, khó lường, mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức lớn đối với môi trường an ninh và phát triển của nước ta.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại hội XIII đã xác định rõ định hướng bao trùm của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Để thực hiện những định hướng lớn nói trên, Đại hội XIII đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
“Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Hoạt động đối ngoại góp phần vào công cuộc đổi mới
Trình bày tham luận tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, đối với bất kỳ quốc gia nào, dân tộc nào, trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản, đối nội và đối ngoại.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. |
Thực tế cho thấy, một trong những đặc trưng nổi bật nhất trong phương thức lãnh đạo của Đảng ta là luôn theo dõi sát, nghiên cứu, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế, từ đó đề ra đường lối phù hợp cho nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ, cho công tác đối nội và đối ngoại, đặc biệt coi trọng việc quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả, từ đó, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Trong 35 năm qua, ở trong nước, Đảng ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện. Trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới, các hoạt động đối ngoại đóng góp lớn vào việc tạo lập, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển, thiết lập và đưa vào chiều sâu quan hệ với tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước lớn, các đối tác quan trọng khu vực.
Hoạt động đối ngoại cũng góp phần vào việc kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và tranh thủ nguồn lực bên ngoài quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra những thách thức, khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề hơn. Từ đó Đại hội đã đề ra đường lối đối ngoại vừa mang tính kế thừa, vừa có những phát triển quan trọng như về vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột đối ngoại, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, bộ ngành Trung ương, các cấp ủy chính quyền, địa phương, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục quán triệt các đường lối, quan điểm của Đảng, phát huy những kết quả công tác đã đạt được, nỗ lực góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, cùng các bộ, ngành địa phương tham mưu xây dựng định hướng, chiến lược, đối sách, thực hiện đường lối Đại hội XIII của Đảng.
Đối ngoại nhân dân là kinh nghiệm quý giá của đối ngoại Việt Nam
Tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng, Hội nghị đối ngoại được tổ chức lần đầu tiên với quy mô toàn quốc cho thấy sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác đối ngoại sau khi Đại hội XIII đã xác định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga. |
Bà Nguyễn Phương Nga cũng nhấn mạnh, đối ngoại nhân dân vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý giá của đối ngoại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đối tượng và đối tác đan xen; vừa đấu tranh, vừa hợp tác, hơn lúc nào hết đối ngoại nhân dân phải phát huy tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế của đối ngoại nhân dân, đi đầu xây dựng, củng cố lòng tin, nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác với các nước, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường hòa bình, thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Nga cũng nêu quan điểm: Việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, dựa trên ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.