Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thuế suất xuất khẩu xuống 0% hoặc cao nhất là 1% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 80% trở lên để giúp các doanh nghiệp “tạo việc làm cho người lao động”.
Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước hiện ở mức rất thấp. (Ảnh minh họa) |
Theo hiệp hội này, từ nhiều năm nay, các quốc gia trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%. Vì vậy, ngành vàng trang sức của các quốc gia này luôn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP, chẳng hạn như kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức của Thái Lan đạt bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm; của Dubai đạt khoảng hơn 10 tỷ USD…
Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh về sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, song đến nay thị trường vàng trang sức của Việt Nam vẫn còn manh mún, lạc hậu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm vẫn còn quá thấp.
Nguyên nhân, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, chủ yếu là do cơ chế chính sách của Nhà nước còn thiếu đồng bộ và chưa ưu tiên hỗ trợ cho ngành hàng này, trong đó thuế xuất khẩu đang là rào cản lớn nhất, bởi vàng trang sức xuất khẩu có hàm lượng từ 80% đến 99,99% đang bị áp thuế tới 10%.
Với chính sách thuế như vậy, các doanh nghiệp cho rằng, chỉ có thể lựa chọn chiến lược xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng dưới 80%. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó lòng cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc, bởi vì các quốc gia này đang thống lĩnh thị trường xuất khẩu các mặt hàng này.
Trong khi đó, theo khảo sát của Hiệp hội, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%0, 22k (91,66%), thậm chí 24k… rất được ưa chuộng tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc… Thế nhưng, từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC ngày 2/8/2011, hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam đã bị bế tắc, vì mức thuế suất xuất khẩu đối với các sản phẩm vàng này quá cao, trong khi vàng có giá trị rất lớn.
Dẫn ra các lý do trên, Hiệp hội kinh doanh vàng đề nghị Bộ Tài chính một mặt vẫn giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu 0% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng dưới 80% như quy định hiện hành, mặt khác điều chỉnh thuế suất xuất khẩu xuống 0% hoặc cao nhất là 1% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 80% trở lên.
“Kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm nghiêm trọng, khiến nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Điều này càng làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, buộc các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm lao động” - văn bản của hiệp hội tiếp tục trình bày hoàn cảnh cho thêm phần thuyết phục.
Được biết, hiện Bộ Tài chính đang dự một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước. Việc miễn thuế trong trường hợp này được cho là không trái với Luật về thuế xuất, nhập khẩu và Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Mai Hoa – Ngọc Ánh