Vì vậy, cần phải “tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội”, nhất là đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp.
Số lượng đầu mối doanh nghiệp quân đội được tinh giản từ trên 300 doanh nghiệp trước năm 2000, nay xuống còn 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý. Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” theo Quyết định số 80/TTg-ĐMDN ngày 4/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng xác định rõ từ nay đến năm 2020 cần phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội, với mục tiêu giảm mạnh đầu mối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
Đến năm 2020, Bộ Quốc phòng còn lại 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Bộ Quốc phòng sẽ có điều kiện để quản lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng. Cơ cấu doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng hợp lý, không còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề kinh doanh, hoạt động trên cùng một địa bàn. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, sau cơ cấu lại sẽ nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất kinh doanh hiệu quả; đáp ứng yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị quân sự, bảo đảm kỹ thuật trên cả ba miền chiến lược, cả ở cấp chiến lược và chiến dịch; tạo ra thế trận quốc phòng, an ninh trên từng khu vực; đồng thời có điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quân sự…
Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương tại Thông báo số 951-TB/VPQU ngày 12/10/2017 của Văn phòng Quân ủy Trung ương nêu rất rõ ràng, cụ thể về mô hình tổ chức của các doanh nghiệp quân đội sau sắp xếp. Theo đó, Một, đối với tổng công ty, công ty 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con tổ chức thành Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên. Trong đó: Chủ tịch Hội đồng thành viên cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Thành viên Hội đồng thành viên cơ cấu là Đảng ủy viên; Tổng giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên, cơ cấu là Phó Bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này đều do Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.
Hai, đối với các công ty độc lập 100% vốn Nhà nước tổ chức thành Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên. Trong đó, Chủ tịch công ty cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Tổng giám đốc (Giám đốc) cơ cấu là Phó bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này đều do Thường vụ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đề nghị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.
Ba, đối với các công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổ chức thành Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban kiểm soát. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Tổng giám đốc (Giám đốc) cơ cấu là Phó bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này do Bộ Quốc phòng giới thiệu và Hội đồng quản trị doanh nghiệp bầu.
Bốn, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, giải thể sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay để thuận lợi triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tránh xáo trộn về nhân sự, tổ chức, gây khó khăn khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp.
Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Việc cơ cấu lại sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn quân nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp quân đội; số lượng lao động phải chuyển đổi vị trí, bố trí sắp xếp lại và dôi dư cần giải quyết chính sách lớn, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, giải thể hoặc phá sản. Đây là vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm, nếu làm tốt sẽ tạo thêm động lực và ngược lại sẽ tạo lực cản đối với quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội lần này. Bởi vậy, đi đôi với công tác tư tưởng, tổ chức, các cơ quan, đơn vị có doanh nghiệp và các doanh nghiệp quân đội thuộc diện cơ cấu lại cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách trong sắp xếp, đổi mới. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức biên chế, bố trí, sắp xếp việc làm; phương án giải quyết số lao động dôi dư, bảo đảm phù hợp với lộ trình sắp xếp, đổi mới và các quy định của pháp luật.
Giải quyết tốt chính sách đối với người lao động ở các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là đối với quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng; thực hiện tốt chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, động viên người lao động tiếp tục làm việc và gắn bó lâu dài với công ty cổ phần. Đối với công ty cổ phần chỉ giữ lại cán bộ quản lý phần vốn Nhà nước (3 đến 5 người) và số quân nhân còn thiếu dưới 5 năm thời gian phục vụ quân đội mới đủ điều kiện nghỉ hưu (khi đủ điều kiện thì cho nghỉ).
Quá trình tiến hành, cần công khai phương án sắp xếp, điều động, luân chuyển; có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc có phẩm chất, năng lực tốt, giàu kinh nghiệm, có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành, cũng như chủ động phát hiện, đề xuất điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các chế độ, chính sách phù hợp với quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự phát triển của thực tiễn nhằm động viên cả về vật chất, tinh thần đối với quân nhân, người lao động, nhất là số phải chuyển ra, bảo đảm cho họ ổn định tư tưởng, cuộc sống...”.