Theo tính toán, để xử lý hết số bom đạn đó phải mất 300 năm và 10 tỷ USD. Thời gian qua, Trung tâm Hành động khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNMAC) và Trung tâm Xử lý bom mìn và Môi trường các quân khu đã nỗ lực rà phá bom mìn, làm sạch nhiều vùng đất.
Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Để xử lý hết bom mìn phải mất 300 năm với tổng số tiền trên 10 tỷ USD.
Thời gian qua, đã có nhiều cái chết thảm khốc, hay nỗi đau tật nguyền của những nạn nhân bom mìn, nhiều nhất là trẻ em. Có thể vô tình vướng phải bom mìn khi đi học, đi chơi kiếm củi, chăn trâu bò..., hoặc do thiếu hiểu biết về bom mìn, chủ quan, mất cảnh giác nên chơi đùa, nghịch bom mìn mà nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra.
Em Nguyễn Văn Cương ở Hải Lâm, Hải Lăng (Quảng Trị) đi chăn bò tìm thấy một quả đạn M79 cầm lên nghịch và ném vào đá. Quả đạn nổ khiến vùng bụng em bị tổn thương nặng, em trở thành tàn phế... Tại một trường học ở vùng núi Kỳ Sơn (Nghệ An), một học sinh nhặt được bom bi cho vào túi mang tới lớp. Giờ ra chơi, em và các bạn lấy ra xem thì quả bom phát nổ làm 7 em thiệt mạng, 30 học sinh khác bị thương.
Một khảo sát ở thị xã Đồng Hới và 5 xã Quang Phú, Lộc Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn, Nghĩa Ninh (tỉnh Quảng Bình) chỉ trong 10 năm đã xảy ra 96 vụ nổ bom mìn làm 120 người chết và 36 người bị thương. Tại thôn Trung Nghĩa, Nghĩa Ninh, Đồng Hới có 3 học sinh từ 10 - 14 tuổi nhặt 7 quả bom bi chơi và ném 1 quả ra xa 10m, bom bi nổ làm 3 em bị thương nặng. Tại Thái Thủy - Lệ Thủy có em Trần Văn Lương và Nguyễn Hữu Nhân nhặt được quả bom bi tưởng quả bóng đã đá chơi làm bom nổ, 2 em tàn phế suốt đời.
Gần đây, khoảng 12h30 ngày 23/10/2017, người dân nghe tiếng nổ lớn phát ra từ nhà của anh A Then (SN 1977, trú tại thôn 5, xã Đắk Cấm, TP Kon Tum khiến anh A Then và vợ là Y Đức (SN 1977) chết ngay tại chỗ. Hai người con là A Theo (SN 2008) và Y Thuy (SN 2000) bị thương nặng. Sau khi xảy ra sự việc người dân đã nhanh chóng đưa 2 cháu Y Thuy và A Theo đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu, đồng thời trình báo cơ quan chức năng.
Theo cơ quan chức năng, loại đạn thu được tại hiện trường là đạn M79, tuy nhỏ chỉ bằng ngón tay cái nhưng có sức sát thương rất lớn có thể gây chết người, người đứng ở xa cũng bị ảnh hưởng. Gia đình anh A Then có cuộc sống khó khăn với 6 nhân khẩu, 2 vợ chồng và 4 đứa con.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng (tương đương hàng trăm triệu USD) được chi cho công tác khắc phục hậu quả. Nạn nhân bom mìn được xác định là nhóm người khuyết tật bị tai nạn do bom mìn. Vì vậy, các chính sách đối với nạn nhân bom mìn được lồng ghép trong các chính sách đối với người khuyết tật. Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo đã huy động được các nguồn lực trong nước và quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn, tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Cuối năm 2016, Trung tâm Hành động khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNMAC) khánh thành với tổng diện tích 52.000m2, tổng đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Thời gian qua, với sự tài trợ của nước ngoài, Trung tâm Xử lý bom mìn và Môi trường các quân khu và VNMAC đã thực hiện thành công dự án rà phá bom mìn ở một số địa phương miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình…, làm sạch hàng nghìn mét vuông đất.