Theo Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 31/5/2024, tổng nguồn vốn chính sách xã hội của tỉnh đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gần 230 tỷ đồng so với đầu năm; Doanh số cho vay đạt trên 704 tỷ đồng, gần 20.800 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ hơn 480 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt gần 6.100 tỷ đồng, tăng hơn 224 tỷ đồng so với đầu năm. Số khách hàng còn dư nợ hơn 162.000 khách hàng, bình quân dư nợ/khách hàng đạt 37,59 triệu đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là gần 164 tỷ đồng, tỷ lệ 2,69%/tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu. |
Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đề nghị HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong thời gian tới cần cơ cấu thành viên Ban đại diện cấp tỉnh, cấp huyện có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện tham gia. Việc này nhằm phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp rà soát thông tin, địa chỉ khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được quản lý chặt chẽ.
UBND tỉnh cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh đối với chương trình cho vay học sinh sinh viên bổ sung đối tượng vay vốn là hộ gia đình thu nhập thấp. Đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên nâng mức cho vay tối đa 25 triệu đồng/công trình. Ủy ban Dân tộc chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 3 năm.
Cùng với đó, Tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm bố trí đầy đủ vốn theo nhu cầu vốn xây dựng hàng năm của tỉnh để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Lê Văn Thanh khẳng định: Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò "trụ cột" của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo; Góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn. Đồng thời, phần nào làm hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 từ 1,9% giảm xuống 1,28% năm 2023; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 3,18% giảm còn 2,23%.
Ông Đoàn Công Thiệt - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. |
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các thành viên Ban đại diện HĐQT, Giám đốc, cán bộ, nhân viên chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên báo cáo, tham mưu chính quyền địa phương; Chỉ đạo chi nhánh và phòng giao dịch huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã tuyên truyền, triển khai, tổ chức quản lý, thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định của Chính phủ.
Thứ trưởng yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác chú trọng lồng ghép giữa cho vay với việc chuyển giao công nghệ; Phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Kế đó cần bám sát các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng khi được Trung ương phân bổ vốn; Cho vay đảm bảo cho vay công khai, minh bạch, đúng đối tượng...