UBND TP HCM cho biết, từ năm 2014 – 2018, trên địa bàn TP xảy ra 6.245 sự cố cháy. Lực lượng PCCC đã trực tiếp tổ chức chữa cháy 1.594 vụ, tỉ lệ 25,55%. Hỏa hoạn làm chết 85 người, bị thương 238 người, thiệt hại về tài sản khoảng 835 tỉ đồng. Số người được cứu trong đám cháy là 392 người. Ngoài ra, TP còn xảy ra 13 vụ nổ làm chết 10 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản 160 triệu đồng.
Cũng trong giai đoạn này, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo công tác PCCC. UBND phường, xã, thị trấn ban hành 6.659 văn bản triển khai. Còn lực lượng cảnh sát PCCC ban hành 197 văn bản hướng dẫn, triển khai các mặt PCCC theo chức năng, nhiệm vụ.
Để phục vụ trong công tác chuyên môn, UBND TP đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC thành phố trước đây (nay là Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) ký kết Quy chế phối hợp, Kế hoạch phối hợp với một số sở, ban, ngành, công ty, đơn vị vũ trang trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC được các cấp các ngành quan tâm, duy trì thường xuyên và được đẩy mạnh trong các đợt cao điểm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, “Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ”…
Tuy nhiên, TP HCM cũng thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực PCCC còn tồn tại một số khó khăn. Nhiều văn bản quy định các bộ, ngành chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chậm gây khó khăn cho công tác triển khai, thực hiện.
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác PCCC còn chưa đầy đủ; chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa đồng bộ; cơ sở vật chất trang bị phục vụ cho công tác kiểm định phương tiện PCCC hiện còn hạn chế...
Từ những hạn chế trên, TP HCM kiến nghị cần có quy định, hướng dẫn việc thành lập Hiệp hội PCCC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong xã hội cho công tác PCCC.
Đồng thời ban hành quy chuẩn đối với các loại hình cơ sở kinh doanh dưới dạng cửa hàng tiện ích, bách hóa, nhà phố chợ, nhà để xe máy, các công trình ngầm cũng như tăng mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng…
Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Võ Trọng Việt ghi nhận những kết quả đạt được của TP HCM trong công tác PCCC, đồng thời nhấn mạnh phải nhất quán quan điểm công tác PCCC là trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị.
Bởi thực tế, nơi nào cấp ủy chính quyền chỉ đạo triển khai quyết liệt thì công tác PCCC tại địa phương đều có hiệu quả cao. Ông Võ Trọng Việt đề nghị cần xây dựng quy chế phối hợp PCCC với các ngành, địa phương để xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trước mắt và lâu dài.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở và đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của công tác PCCC…