Điều kiện xét chức danh Giáo sư, Phó giáo sư: Chuyện dài chưa hồi kết

Điều kiện xét chức danh Giáo sư, Phó giáo sư: Chuyện dài chưa hồi kết
(PLVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình và tiêu chuẩn xét GS, PGS của Việt Nam hiện nay “không giống ai”, khi chức danh gắn với quyền lợi quản lý chứ không chỉ phục vụ cho công tác trong các trường ĐH như phần đa các nước tiên tiến.

Đến hẹn, lại lên

Mới đây, Hội đồng giáo sư (HĐGS) ngành Y, Dược năm 2020 đã thông báo kết quả kiểm tra đối với 33 ứng viên GS, PGS do GS Nguyễn Ngọc Châu phản ánh và đề nghị xem xét thẩm định lại.

Cụ thể: có 4 ứng viên có các bài báo đã được chấp thuận trên tạp chí GMR (trong danh mục tạp chí khoa học tính điểm xét phong GS, PGS) và đã được bỏ phiếu tín nhiệm nhưng đến nay chưa được xuất bản chính thức. HĐGS ngành Y đã báo cáo HĐGS Nhà nước và báo trực tiếp cho các ứng viên là sẽ đưa ra khỏi danh sách xét duyệt nếu đến ngày họp HĐGS Nhà nước các bài báo này chưa được xuất bản.

Có 4 ứng viên gồm: 2 ứng viên PGS không đủ phiếu tín nhiệm sau khi HĐGS ngành Y bầu, 1 ứng viên không đủ bài báo quốc tế uy tín, 1 ứng viên PGS thiếu thâm niên giảng dạy và ứng viên này đã có đơn gửi HĐGS Nhà nước và HĐGS ngành Y xin rút khỏi danh sách ứng viên PGS năm 2020.

Thực tế, trên thế giới, việc phong hàm GS, PGS chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, làm khoa học chứ không dành cho những người làm công tác quản lý Nhà nước. Bởi thế, GS, PGS ở các nước này không phải là “nhãn mác” gắn suốt đời - một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là GS, PGS nữa và cứ mỗi nhiệm kỳ lại do nhà trường công nhận lại. Cùng với đó, những đãi ngộ mà các chức danh GS, PGS được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ. 

Trái lại, nước ta có nhiều Tiến sĩ, GS, PGS nhưng khá nhiều người không tham gia vào công tác đào tạo. Mặt khác, GS, PGS mặc nhiên được công nhận mà không cần có tiêu chí phải là thuộc trường ĐH và được sử dụng chức danh đó đi kèm với các quyền lợi: họ được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng, trường hợp đã hưởng lương ở ngạch giáo sư - giảng viên cao cấp thì được xếp lên một bậc lương liền kề. Không chỉ có thế, GS, PGS còn có quyền được tham gia, phê duyệt các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp quốc gia… 

Một chuyên gia cho biết, ở Việt Nam hiện nay Chính phủ quy định hệ số lương cho viên chức, giảng viên các trường ĐH, trong đó PGS, GS có hệ số lương cao hơn nhiều so với giảng viên chưa có học hàm có cùng thâm niên.

Trong khi ở Mỹ, các trường toàn quyền quyết định mức lương giảng viên, nên có trường hợp GS của một trường có lương cao nhưng khi qua trường khác có thể thấp hơn. Các trường trả lương theo năng lực làm việc, nghiên cứu khoa học và những đóng góp trực tiếp cho trường.

Cần uy tín hơn số lượng

GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan (Australia) cho rằng, cũng như bất cứ ngành nghề nào, nghiên cứu khoa học lúc nào cũng đặt nặng chất lượng hơn số lượng. Chất lượng thể hiện qua nhiều tín hiệu, kể cả uy tín của tập san, số lần trích dẫn, số lần được tạp chí hay báo chí phổ thông đề cập đến, tác động đến khoa học, chính sách công, xã hội. “Khi chúng tôi xét duyệt đề bạt chức vụ GS, chẳng ai quan tâm đến số lượng bài báo ứng viên công bố, mà chỉ quan tâm đến công bố ở đâu và tầm ảnh hưởng ra sao...”.

Theo GS.TS Võ Văn Tới, nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), các trường ĐH ở Mỹ được toàn quyền tự phong PGS, GS nhưng phải thông qua một hội đồng GS với luật định rất chặt chẽ. Những quy định này được nhà trường đặt ra nhưng phải được hội đồng GS chấp nhận. 

Ngoài ra, khi nhà trường muốn xét bổ nhiệm PGS, GS cho người nào đó, không phải chỉ nội bộ nhà trường xem xét quyết định mà họ còn lấy ý kiến của người bên ngoài. Ứng viên phải làm hồ sơ nêu những thành tích trong quá trình làm việc tại trường của mình, công bố bài báo khoa học, mời gọi tài trợ nghiên cứu và những đánh giá ứng viên của các chuyên gia trong lĩnh vực... nộp cho hội đồng bộ môn (khoa) xem xét. Sau đó, hội đồng bộ môn tiến cử người đó lên hội đồng trường xem xét quyết định bổ nhiệm.

Vì thế, một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo chất lượng GS, PGS thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này.

Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình và không thấp hơn chuẩn tối thiểu. Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là GS, PGS của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, muốn nâng cao chất lượng việc xét GS, PGS, trước tiên phải xác định nguyên lý của đề bạt chức vụ hay xét duyệt công nhận chức danh. Bổ nhiệm giáo sư không đơn giản là công nhận hay trao cho họ một chức danh mà nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, người có khả năng lãnh đạo.

Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò như: học giả, nhà nghiên cứu, thành viên của cộng đồng học thuật, là người có thẩm quyền, người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những đóng góp đó thì khó có thể nói là giáo sư. Kế đến tiêu chuẩn xét duyệt, phải bỏ đi sự lệ thuộc vào số lượng bài báo khoa học mà nên nhấn mạnh đến chất lượng khoa học. Phải xem xét vai trò của ứng viên trong bài báo khoa học là tác giả lãnh đạo, hay là “tác giả quà cáp” hoặc “tác giả danh dự”… 

Như vậy, theo các chuyên gia giáo dục, nếu không có những nghiên cứu bài bản về số lượng công bố có thể chấp nhận được, năm nào cũng sẽ lặp lại những bức xúc, những tiếc nuối và có những ứng viên GS/PGS bị loại oan uổng trong những năm tiếp theo. 

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện theo quy định mới của Chính phủ, nâng số lượng công trình khoa học công bố quốc tế và yêu cầu toàn bộ hồ sơ, quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải được công khai trên Internet, để xã hội cùng giám sát. Quy định này được giới khoa học đánh giá là tiến bộ nhiều so với các quy định trước đây.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?