Ngày 20/8, cơ quan chức năng công bố kết quả thanh tra kỳ thi vào lớp 10 công lập tại tỉnh Thái Bình. Sau khi có phản ánh từ nhiều người dân về việc kết quả kỳ thi nhiều bất thường, tỉnh đã lập đoàn thanh tra vào cuộc. Đoàn thanh tra đã thực hiện lại khâu khớp phách bằng tay, với tất cả bài thi tự luận. Kết quả, 2.997 bài bị lệch phách. Tổng điểm xét tuyển của 1.589 em bị sai, chiếm 7,75% tổng số thí sinh. Đáng lưu ý, đoàn thanh tra xác định trước đó lãnh đạo Sở GD&ĐT đã biết nhiều bài bị lệch, song không xử lý rốt ráo, dẫn đến hệ lụy như lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá là “ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, uy tín của ngành Giáo dục và các em học sinh”.
Tại cuộc họp báo, đại diện Sở GD&ĐT cho rằng “những sai sót trên không bắt nguồn từ nguyên nhân nào có yếu tố tiêu cực trong tổ chức kỳ thi”. Có tiêu cực hay không thì chưa rõ, nhưng sự thiếu trách nhiệm của một số người liên quan kỳ thi thì đã rất rõ.
Một ngày sau đó, 21/8, hàng trăm phụ huynh mang theo hồ sơ có mặt trước cổng một trường tiểu học vừa thành lập tại một quận mới của Hà Nội. Đây là các cư dân mới chuyển đến sống trong một khu đô thị gần trường, lo lắng trước đồn đoán “trường quá tải nên nhà gần trường mà con sẽ không được vào học”. Phải đến khi lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận có mặt, cam kết “hộ khẩu ở đâu sẽ học ở đó, phụ huynh không lo rằng con mình không được vào học”, thì tình hình mới “giảm nhiệt”. Sự kiện này cho thấy dân số cơ học tăng nhanh, nên cục bộ ở một số nơi vẫn còn tình trạng “thiếu trường”, “quá tải” học sinh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi dự Hội nghị tổng kết do Bộ GD&ĐT tổ chức; sau khi biểu dương những điểm sáng nổi bật trong kết quả năm học 2023 - 2024, đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, của ngành Giáo dục, trong đó có những vấn đề tương tự như 2 sự kiện nêu trên. Thủ tướng đã yêu cầu các giải pháp như: Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ với đội ngũ giáo viên để nâng cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số…
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”; “Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích Nhân dân”… Nói cách khác, điều chúng ta cần luôn nhận thức rõ, là mỗi thời kỳ có thể có phương pháp, cách thức dạy và cách học khác nhau; nhưng luôn luôn có mục đích, mục tiêu là dạy tốt, học tốt, đào tạo ra những thế hệ con người vừa có đức, vừa có tài, vừa có tri thức, vừa phát triển tâm, sinh lý phù hợp.