Điện ảnh Việt đang “được mùa” với dàn diễn viên ngày càng nhiều gương mặt mới, đẹp về sắc vóc, chuẩn về hình thể và tần suất xuất hiện đều đặn. Tuy nhiên, về mặt diễn xuất thì có lẽ chưa hẳn “được mùa”, nếu không muốn nói là… “mất mùa” vì vẫn còn chê nhiều hơn khen từ phía khán giả và các nhà chuyên môn. Từ đây, một câu hỏi đặt ra, phải chăng càng thiếu thốn, diễn viên càng có nhiều cái “thần” trong diễn xuất như nhiều lớp thế hệ nghệ sĩ trước đã chứng minh?.
Phim dở vì tồi diễn xuất?
Mới đây, khi “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” phát sóng trên truyền hình, mặc dù đây được xem là một bộ phim được kì vọng và khán giả đánh giá là “đáng để xem”, nhưng bộ phim cũng đã khiến khán giả phải đưa ra những so sánh rõ ràng nhất về sự chênh lệch trong diễn xuất của hai thế hệ diễn viên. Cùng là đạo diễn Long Vân cho “Biệt động Sài Gòn” và “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, cộng với kinh phí dồi dào hơn, công nghệ hiện đại hơn nhưng thế hệ diễn viên trẻ thì chạy hết lực vẫn không thể nào theo kịp “người xưa”. Khán giả mỏi mắt cũng không tìm đâu ra những ánh mắt biết nói sâu thẳm, lối diễn “ý tại ngôn ngoại” như trong “Biệt động Sài Gòn” năm xưa.
Nhìn trên diện rộng thì phim Việt bây giờ khó có thể tìm kiếm được lối diễn đầy "hồn vía", hòa nhập hoàn toàn vào vai diễn như những Thúy An của “Cánh đồng hoang”, Thùy Liên, Lâm Tới của “Mùa gió chướng”, những Lê Vân đầy xúc cảm trong “Bao giờ cho đến tháng mười”, Nguyễn Chánh Tín hào hoa đến hút hồn trong “Ván bài lật ngửa”. Và cũng vì thế mà giờ đây cũng không thể tìm được những tình cảm nồng hậu, say mê như trước đây khán giả đã dành cho “thế hệ vàng” của diễn viên Việt, cho phim Việt…
Không cần nói đâu cho xa, nếu chỉ nhìn vào một thế hệ diễn viên cuả hơn chục năm trước đây, có nghĩa là những năm 1990, cũng đã thấy sự chênh lệch đáng nói trong diễn xuất đối với thế hệ diễn viên hiện tại. Công Ninh, Mai Hoa, Lan Hương, Thu Hà, Mỹ Duyên, Lý Hùng, Việt Trinh, rồi kế đến là Chi Bảo, Quyền Linh... chẳng đã ghi sâu vào lòng cả một thế hệ người xem với những vai diễn “để đời” của họ. Nhìn nhận ở một chuỗi dài ấy, nhiều người đã đưa ra nhận định, phải chăng khâu diễn xuất của phim Việt đang ngày càng “đi xuống”?.
“Chết” vì chạy “show”
Lý giải cho điều này, rất nhiều đạo diễn, trong đó có đạo diễn Long Vân, đạo diễn Công Ninh, đều cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do diễn viên trẻ quá mải mê chạy “show”, đeo đuổi số lượng để bao đảm thu nhập chứ không đầu tư cho chiều sâu.
Theo sự phân tích của đạo diễn, nếu như ngày xưa, những câu chuyện diễn viên “nhập vai” khiến người ta cảm động như nghệ sĩ Lâm Tới và đoàn làm phim ngâm mình trong nước hàng năm trời để hoàn thành “Cánh đồng hoang”... Ở thời điểm hiện nay, khán giả lại ngạc nhiên vì diễn viên sao mà... tài thế, có thể “phân thân” nhận nhiều vai khác nhau trong ba, bốn bộ phim liền cùng một lúc.
Ở thời điểm tư nhân thi nhau làm phim, phim truyền hình “ra lò” hàng tháng, thì việc một gương mặt xuất hiện trên nhiều bộ phim ở cùng một thời điểm không còn xa lạ với công chúng. Những gương mặt Bình Minh, Ngọc Diệp, Lê Khánh, Huy Khánh, Trương Quỳnh Anh, Vân Trang... đều rất trẻ và mỗi gương mặt xuất hiện dày trên hàng chục phim truyền hình, phim điện ảnh chỉ trong vòng hơn một năm. Đến nỗi, nhiều khán giả cho biết, bật ti vi lên xem cứ lẫn lộn hết bộ phim này đến bộ phim khác, vì phim nào cũng ngần ấy gương mặt đóng. Và chính vì “phân thân” như thế, nên diễn xuất ở vai nào của họ cũng nhàn nhạt như nhau. Vân Trang ở phim nào cũng là cô gái ngây thơ, trong sáng, Trương Quỳnh Anh thì bao giờ cũng hồn nhiên, nhí nhảnh, Bình Minh thì “thường trực” vào vai những anh chàng hào hoa, tưng tửng gây cười...
Ca sỹ - diễn viên Trương Quỳnh Anh |
Chạy “show” không chỉ “giết” diễn viên trẻ về diễn xuất. Ngay cả những danh hài có tiếng hải ngoại lẫn trong nước, mải mê theo “show” cũng ít nhiều làm mất đi chiều sâu và cái duyên gây cười trong diễn xuất, khiến vai diễn của mình trở nên nhợt nhạt. Nếu như trước đây, mỗi vai diễn của Hoài Linh khi bắt đầu tham gia những phim truyền hình Việt là một “điểm nhấn” hút khán giả đến ngồi trước ti vi, thì giờ đây tình trạng “bật lên kênh nào cũng thấy”, diễn vai nào cũng như nhau khiến khán giả truyền hình đã nhàm trước cây hài này.
Tất bật chạy “show”, áp lực của đồng tiền, tiến độ của phim… đã khiến diễn viên không còn thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu kĩ lưỡng, đầu tư thật sâu vào vai diễn của mình nữa. Nếu như trước kia, để vào vai gái nhảy trong bộ phim cùng tên, Mỹ Duyên đã phải “thâm nhập” chốn vũ trường suốt mấy tháng trời, thì bây giờ, khó lòng mà tìm được một diễn viên trẻ chịu bỏ thời gian, công sức tìm hiểu tâm lý nhân vật của mình. Nhiều bạn trẻ ra đến phim trường vẫn chưa kịp nhớ lời thoại vì lý do: “Bận quá!”.
Còn đó những nhiệt tâm
Khó lòng có thể đổ lỗi cho thời gian , vì Huỳnh Đông cũng là một diễn viên còn rất trẻ, nhưng khi vào vai tướng Huỳnh Văn Nghệ, anh đã bỏ mấy tháng trời để đến quê hương vị tướng, tìm gặp những người thân, người quen cũ để tìm hiểu thói quen, tính cách của ông. Vì thế mà Huỳnh Văn Nghệ do Huỳnh đông thủ vai để lại dấu ấn đáng kể trong lòng người xem. Về điều này, Lê Hà, diễn viên trẻ lần đầu đóng phim, vai Minh Thư của “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” cũng bày tỏ quan điểm của mình: “Mình nghĩ thế hệ trẻ bây giờ không phải là không tâm huyết với điện ảnh. Nhưng họ có quá nhiều lựa chọn cho bản thân. Họ không thể ngồi yên do bản tính của tuổi trẻ, xu thế của thời đại. Họ tham gia quá nhiều bộ phim, và thời gian cho vai diễn cũng được đẩy nhanh do áp lực của tài chính, tiến độ của đoàn làm phim. Không có sự đầu tư chỉn chu thì làm sao vai diễn như ý được. Riêng Hà thì nghĩ rằng, nếu lựa chọn đi theo điện ảnh, Hà sẽ tìm cho mình một hước khác để đảm bảo kinh tế, và chỉ tham gia một bộ phim khi có thời gian để tìm hiểu nhân vật, thực sự yêu thích nhân vật của mình”. |
Ngọc Mai