Ông Peskov cho biết, một số người trong chính quyền thậm chí còn nói đùa về các biện pháp trừng phạt chống lại các thành viên chính quyền Tổng thống Nga Putin. Theo đó, họ nói rằng "cảm thấy không thoải mái" khi những người quan trọng - tức là ban lãnh đạo của chính quyền - đang bị trừng phạt, còn họ thì không, tức là họ không đủ quan trọng.
"Thực tiễn cho thấy rằng đây là một con dao hai lưỡi, nó giáng một đòn không chỉ vào lợi ích của những người bị hạn chế, mà còn của những người đưa ra những hạn chế này", ông Peskov nói.
"Các biện pháp trừng phạt không thể là điều tốt nhất. Các biện pháp trừng phạt luôn luôn tồi tệ", ông Peskov nhấn mạnh.
Ông Peskov cũng khẳng định: "Tuy nhiên, trong khi chịu một số hạn chế hoàn toàn trái pháp luật, chúng tôi có cơ hội huy động các nguồn lực trong nước và làm những gì mà có lẽ chúng tôi sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm trong điều kiện bình thường, ví như thiết lập sản xuất của riêng chúng tôi, hệ thống điện tử của riêng chúng tôi, củng cố cơ sở hạ tầng tài chính và ngân hàng của chúng tôi..."
Ông cũng nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 9/2 rằng việc Quỹ Chống tham nhũng của Alexey Navalny (FBK) - một cơ quan có đăng ký nước ngoài - kêu gọi Liên minh châu Âu và Mỹ để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công dân Nga không phải là hành vi phạm tội. Ông cũng khẳng định: "đã đủ rõ ràng cách hầu hết đồng bào của chúng tôi nhìn nhận những hành động như vậy."
Người phát ngôn Điện Kremlin chỉ ra rằng "một số nhà lập pháp đã đề nghị những hành động như vậy nên được coi là phản quốc cao độ." Vẫn kín tiếng về quan điểm của mình nhưng ông Peskov cho biết "ý tưởng này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi."
Tổ chức Chống Tham nhũng trước đó đã gửi tin nhắn tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với một số người thuộc nhóm thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, Giám đốc điều hành FBK Vladimir Ashurkov, đã công bố một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi trừng phạt một số doanh nhân và chính trị gia Nga.
Vào ngày 8/2, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin đã yêu cầu Người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát Tham nhũng và An ninh của Duma Quốc gia Nga Vasily Piskarev xem xét khả năng hình sự hóa các hành động dẫn đến các lệnh trừng phạt và gây tổn hại cho người dân và nền kinh tế của đất nước.