Diễn đàn An ninh châu Á: Biển Đông "dậy sóng"

Từ ngày 3-5/6, tại Singapore diễn ra Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-la 10) với sự tham dự của các đại diện đến từ 28 quốc gia trên thế giới. Những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây được dự đoán sẽ là chủ đề “nóng” trong cuộc Đối thoại này.

Từ ngày 3-5/6, tại Singapore diễn ra Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-la 10) với sự tham dự của các đại diện đến từ 28 quốc gia trên thế giới. Những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây được dự đoán sẽ là chủ đề “nóng” trong cuộc Đối thoại này.

Biển Đông đang "nổi sóng".
Biển Đông đang "nổi sóng".

Chiều ngày 2/6, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đến Singapore tham dự Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10. Đại diện của các quốc gia khác tham dự Hội nghị gồm Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Quốc vụ khanh Quốc phòng, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao và các học giả.

Trong số các đại biểu có Phó Thủ tướng Nga Sergey Ivanov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Gerald Longuet, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa.

Hội nghị bàn về nhiều vấn đề an ninh mà châu Á đang phải đối mặt. Theo chương trình nghị sự, ngày 3/6 được dành cho các cuộc gặp song phương giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức.

Sáng ngày 4/6, sau lễ khai mạc và phiên họp toàn thể, Hội nghị sẽ bàn về những thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các học thuyết và khả năng quân sự mới ở châu Á; sự phân chia quyền lực mới ở châu Á và những ảnh hưởng của nó trên toàn cầu.

Chiều ngày 4/6, các đại biểu sẽ có các phiên họp đặc biệt: “Ngân sách dành cho quốc phòng: như thế nào thì đủ?”, “Thách thức của Afghanistan đối với an ninh khu vực”, “Giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”, “Phát triển hạt nhân trong châu Á-Thái Bình Dương”, “Lực lượng vũ trang và những thách thức an ninh xuyên quốc gia”.

Ngày 5/6, Hội nghị sẽ thảo luận về sự hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc, phản ứng trước những mối đe dọa an ninh đường biển, xây dựng lòng tin chiến lược và làm sao tránh xung đột tồi tệ nhất.

Là nơi quy tụ đại diện của 28 quốc gia, “Đối thoại Shangri-la” được coi là diễn đàn an ninh quan trọng nhất của châu Á – Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-la lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh bầu không khí ở Đông Nam Á đang nóng với các tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng.

Mới đây nhất, hôm 1/6, 3 tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 2/6,  đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.

Không lâu trước đó, ngày 26/5, 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi tàu Bình Minh đang khảo sát địa chấn trong vùng nước mà Việt Nam có quyền chủ quyền. Việc này khiến Việt Nam phải phản ứng gay gắt.

Hôm 11/5, Trang Thông tin của Chính quyền Thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cũng đăng “Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt cá ở Khu vực Biển Đông năm 2011” từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 01/8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Không những Trung Quốc gây ra những vụ vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong hai tháng qua, Philippines cũng nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc trong vùng nước mà Manila nói là thuộc chủ quyền của họ.

Hôm 2/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III còn tuyên bố Manila sẽ nộp đơn phản đối lên Liên Hợp Quốc (LHQ) về một loạt vụ xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải quốc gia Đông Nam Á này. Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Aquino cho rằng từ hôm 25/2, Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Philippines trên Biển Đông ít nhất 6 hoặc 7 lần, trong đó có việc đặt các trụ thép và phao gần bãi ngầm Amy Douglas hồi tháng trước.

Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát đi thông điệp khẳng định vai trò của Mỹ ở châu Á, điều đã được Tổng thống Obama nhấn mạnh ngay từ khi lên nhậm chức và được nhiều quan chức cấp cao của nước này nhắc lại trong những năm qua. Báo chí quốc tế cũng “nóng” lên cùng diễn đàn an ninh châu Á lần này với những căng thẳng trên Biển Đông.

Quang Minh

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.