Danh sách được đưa ra dựa trên ý kiến đánh giá của 1.800 nhân viên hiệp hội này trực tiếp làm việc tại các địa điểm.
Đứng đầu danh sách là Lâu đài Bolsover ở miền Trung nước Anh. Lâu đài kỳ bí được xây dựng trên nền cũ của một nghĩa trang từ thời cổ đại. Nhân viên làm việc ở đây thậm chí từng nghe thấy tiếng la hét vọng ra từ bên trong lâu đài và ngày càng lớn hơn khi họ rời đi nhưng khi quay trở lại họ không thấy có ai trong đó.
Những người bảo vệ tại lâu đài Bolsover cho biết họ thường xuyên nhận được những cảnh báo về các ánh đèn lạ trong khi một vài người khác cho biết đã nhìn thấy bóng ma của một bé trai nắm tay của nhiều vị khách không rõ danh tính.
Ở vị trí đáng sợ thứ hai là Lâu đài Kenilworth ở Warwickshire, nơi nhân viên nhiều lần bắt gặp bóng ma của một bé trai và một người phụ nữ hiện lên từ đống đổ nát hay chiếc cũi trẻ em tự đung đưa khi không có ai.
Còn tại Lâu đài Carisbrooke ở Isle of Wight, miền Nam nước Anh, các nhân viên quá quen với những câu chuyện ma quái về khuôn mặt nhợt nhạt của Elizabeth Ruffin, cô gái trẻ không may bỏ mạng trong một chiếc giếng trong lâu đài hay câu chuyện ám ảnh về "Phù thủy Xám," bóng ma với tấm áo khoác dài luôn đi cùng bốn con chó canh.
Tiếp nối danh sách này là Lâu đài Pendennis ở Cornwall, miền Tây Nam nước Anh, nơi khách viếng thăm thường nghe thấy những tiếng khóc than của một người phụ nữ hay Tu viện Whitby ở miền Bắc nước này, nơi đống đổ nát, hoang tàn tại đây đã tạo cảm hứng cho nhà văn Bram Stoker sáng tác cuốn tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng toàn thế giới "Dracula" (Ma Cà Rồng) và cả ngôi nhà của nhà bác học Charles Darwin, các nhân viên cũng không khỏi rùng mình với những hiện tượng kỳ bí không thể lý giải được.
Hiệp hội Bảo tồn Di sản Anh là tổ chức thiện nguyện phụ trách bảo tồn hơn 400 lâu đài, tu viện, tòa nhà lịch sử và cung điện trên toàn nước Anh.
Lễ Halloween từng bị nhiều thế hệ của Anh xem ngày lễ kinh dị tầm thường song giờ đây, chính thế hệ Y (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 80 đến những năm đầu thế kỷ XXI) của "xứ sở sương mù" đã biến nó trở thành mùa bội thu cho ngành bán lẻ.
Các chuyên gia phân tích thị trường Mintel ước tính chi tiêu của khách hàng trong lễ Halloween năm nay đã tăng lên 320 triệu bảng Anh (tương đương 418 triệu USD), cao hơn 3,2% so với năm 2016. Thế hệ Y chính là động lực cho sự tăng trưởng này, với 60% dân số chi tiền cho Halloween năm 2016. Con số này phản ánh việc thị trường Anh đã tăng trưởng chóng mặt kể từ khi bước sang thế kỷ mới. Theo công ty nghiên cứu thị trường YouGov, chi tiêu cho các sản phẩm Halloween tại Anh năm 2001 chỉ là 12 triệu bảng (tương đương 15,9 triệu USD).
Cuộc khảo sát do YouGov tiến hành năm 2013 cho thấy 74% người Anh tuyên bố không muốn ăn mừng lễ Halloween. Các chuyên gia cho rằng thái độ ác cảm của người Anh với dịp lễ là do sự thiếu gắn kết với lịch sử, cũng như quan điểm cho rằng đây là nét văn hóa du nhập từ Mỹ.
Giáo sư ngôn ngữ và văn hóa Hugh O'Donnell thuộc Đại học Glasgow Caledonian, đồng thời là tác giả cuốn sách về sức hấp dẫn quốc tế của Halloween, xác nhận phiên bản Scotland của Halloween là thực chất là một lễ hội Celtic cổ. Theo ông, nước Anh trước đây chưa tiếp xúc với nét văn hóa này, ý tưởng về Halloween không chỉ mới mẻ, mà bắt nguồn từ Mỹ chứ không phải Scotland.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc người dân nối đuôi nhau xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng phục trang tại London là minh chứng cho thấy ngày càng có nhiều người dân Anh ngày càng đón nhận sự kiện này.