Điểm đặc biệt trong Dự luật quốc phòng mới của Mỹ

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật quốc phòng mới
Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật quốc phòng mới
(PLO) - Thượng viện Mỹ mới thông qua dự luật quốc phòng mà theo mô tả của một số nghị sỹ là cứng rắn với Trung Quốc hơn bất cứ dự luật nào từng được thông qua.

“Siết” các thương vụ có yếu tố Trung Quốc 

Luật quốc phòng vừa được thông qua của Mỹ có tên chính thức là Đạo luật thẩm quyền quốc phòng. Với việc cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua trước đó 1 tuần, dự luật sẽ sớm được Tổng thống Donald Trump ký thành luật trong vài ngày tới. 

Theo dự luật khoản ngân sách chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa tới đây được phê duyệt là hơn 716 tỉ USD. Khoản tiền này được chi nhằm đối phó một loạt những chính sách của chính phủ Trung Quốc, bao gồm từ sự gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, chạy đua công nghệ tiên tiến với Mỹ và cả việc tăng cường các chương trình tuyên truyền về Trung Quốc tại các cơ quan, tổ chức của Mỹ.

Theo hãng tin Wall Street Journal, dự luật vừa được thông qua phản ánh sự đồng thuận đang ngày càng gia tăng từ các nghị sỹ thuộc cả 2 đảng trong Quốc hội cũng như giới chức an ninh quốc gia Mỹ về việc thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới của các cuộc cạnh tranh quyền lực và Mỹ cần phải có nhiều động thái hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. 

“Thách thức chính đối với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ là việc tái xuất hiện cuộc cạnh tranh chiến lược, dài hạn. Trung Quốc đang tận dụng việc hiện đại hóa quân đội, các chiến dịch gây ảnh hưởng và các hoạt động kinh tế để tái cấu trúc lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho họ”, bản tóm tắt Chiến lược quốc phòng của Mỹ năm 2018 trước đó của Mỹ cũng đã xác định. 

Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là các điều khoản nhằm thắt chặt việc đánh giá vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ trong các thương vụ có yếu tố Trung Quốc đồng thời cải thiện việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu đối với các công nghệ của Mỹ có thể xuất bán ra nước ngoài. 

WSJ cho biết, dù các điều khoản này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Mỹ nhưng đa số các doanh nghiệp đều cho biết vẫn ủng hộ. “3 năm trước, nếu anh nói về việc thực hiện các biện pháp chống lại Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phản đối. Nhưng nay, họ không còn làm vậy nữa”, ông James Lewis, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ cho biết. 

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Bill Evanina – Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia của Mỹ - cho rằng có rất nhiều nước cũng đang tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế, đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn là nước đáng gờm nhất.

Dự luật quốc phòng đã được thông qua của Mỹ cũng yêu cầu Quốc hội nước này hàng năm có báo cáo về Trung Quốc, trong đó có các thông tin về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng tới truyền thông, các thể chế văn hóa, doanh nghiệp, cộng đồng học giả và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Việc báo cáo như vậy cần phải được đối chiếu với chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Một điều khoản khác trong dự luật cũng giới hạn các khoản quỹ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho các chương trình tiếng Trung Quốc có sự tài trợ của Bắc Kinh ở các trường đại học của Mỹ.

Một số điều khoản về vấn đề Biển Đông 

Theo nhà nghiên cứu về Biển Đông Greg Poling, dự luật bao gồm một số điều khoản thú vị về vấn đề Biển Đông, trong đó có 2 vấn đề quan trọng. Đầu tiên là dự luật yêu cầu Bộ quốc phòng Mỹ minh bạch hơn, công khai hơn về các hoạt động quân sự hóa và có thể là cải tạo thêm đất mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông. 

“Ngay sau khi phát hiện bất cứ hoạt động cải tạo đất hay quân sự hóa có quy mô đáng kể nào do Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tiến hành ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai các thiết bị quân sự, các chiến dịch hành động hay xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Ngoại giao sẽ gửi báo cáo lên cho các ủy ban quốc phòng của quốc hội đồng thời công bố báo cáo công khai để công chúng được biết”, dự luật viết. 

Ông Poling cho rằng, quy định như trên là phù hợp với các khuyến nghị mà các nhà quan sát về Biển Đông lâu nay vẫn kêu gọi. Những người này cho rằng việc áp dụng hình thức “bêu tên” như vậy sẽ là một cách thức hữu hiệu để thế giới thấy rõ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các hoạt động quân sự tại các thực thể còn tranh chấp, từ đó khiến Bắc Kinh dè chừng hơn về hoạt động của mình. 

Dự luật cũng đưa ra những yêu cầu rành mạch đối với báo cáo về hoạt động của Trung Quốc: “Mỗi báo cáo về các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa sẽ báo gồm tóm tắt ngắn và một hoặc nhiều hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa đó”. Nhà nghiên cứu Poling cho rằng việc thực hiện theo đúng các yêu cầu được đưa ra như trên sẽ là một động thái rất đáng hoan nghênh vì nó sẽ giúp dư luận hiểu rõ hơn về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng là một nguồn tư liệu mở khác để các học giả có thể phân tích thêm về tình hình và diễn biến ở một vùng biển trọng yếu của thế giới.

Điều khoản quan trọng thứ 2 được ông Poling nhấn mạnh là việc dự luật quy định Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác minh thông tin Trung Quốc đã dừng tất cả các hoạt động cải tạo đất, dỡ bỏ toàn bộ vũ khí và trong vòng 4 năm liên tiếp có các hoạt động nhằm hướng tới ổn định hóa khu vực rồi mới tính đến khả năng mời lại Hải quân nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. 

Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay sau khi Bắc Kinh có những động thái nhằm dần quân sự hóa các thực thể mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông, trong đó có việc lần đầu cho máy bay ném bom chiến lược H-6K hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

Theo ông Poling, quy định về việc cho phép mời lại Trung Quốc tham gia tập trận, đặc biệt là yêu cầu thấy rõ kết quả bình ổn khu vực được nêu trong dự luật là quy định mang tính chất chủ quan. Do đó, quy định của dự luật có thể hiểu như việc cấm Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC trong dài hạn. Hiện nay, không có nước nào khác bị cấm tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới này. 

Bà Rachael Burton – một nhà nghiên cứu tại bang Virginia, Mỹ - cũng cho rằng đây là một quy định đáng chú ý. Theo bà Burton, quy định được nêu trong dự luật của Mỹ là tín hiệu đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không thể được coi là bình thường.

Mềm dẻo hơn với ZTE

Tuy nhiên, các nhà làm luật ở cả 2 đảng của Mỹ cho rằng dự luật vẫn chưa đủ cứng rắn với tập đoàn viễn thông khổng lồ ZTE của Trung Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ thương mại Mỹ đã cấm các công ty của nước này bán linh kiện cho ZTE với lý do tập đoàn trên không tuân thủ thỏa thuận với Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên. 

Với việc ZTE mua trực tiếp thiết bị của Mỹ, lệnh cấm được xem là một đòn chết người với tập đoàn này. Tuy nhiên, trong thông báo ngày 13/5, ông Trump cho biết ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phối hợp để tìm cách cứu ZTE. Đến ngày 7/6, Bộ thương mại Mỹ đã đạt thỏa thuận với ZTE, theo đó công ty Trung Quốc phải ký quỹ 400 triệu USD, nộp phạt 1 tỉ USD và thay ban lãnh đạo, đồng thời chấp nhận chi trả tiền để nhóm nhân viên của Mỹ giám sát công ty thực hiện lệnh cấm trong 10 năm tới. Đổi lại, ZTE được phép nối lại hoạt động kinh doanh với các nhà cung cấp hàng hóa của Mỹ.

Thất vọng với thỏa thuận của ông Trump, Thượng viện Mỹ hôm 18/6 đã bỏ phiếu đưa lại điều khoản cấm ban đầu vào dự luật quốc phòng. Tuy nhiên, các nhà đàm phán của Thượng viện và Hạ viện Mỹ sau đó đã gỡ bỏ nội dung này trong văn bản dự thảo luật cuối cùng. Nghị sỹ Macro Rubio cho biết vì không đồng tình với việc này nên ông đã lần đầu tiên kể từ khi trở thành nghị sỹ Mỹ bỏ phiếu chống lại dự luật quốc phòng hàng năm. Trong phát biểu tại Thượng viện Mỹ, ông Rubio cho rằng ZTE là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ và Mỹ cần phải thức tỉnh trước mối đe dọa này trước khi quá muộn.

Về phía Trung Quốc, phản hồi trước động thái của Mỹ, một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng việc Mỹ thông qua luật sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ”. Người phát ngôn này cũng lên tiếng thúc giục Mỹ “bỏ tâm lý chiến tranh lạnh đã lỗi thời”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.