Châu Âu: Nhiều điểm nóng có số ca mắc mới cao chưa từng có
Châu Âu đang đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai được cho là khắc nghiệt hơn khi mùa Đông cận kề. Các quốc gia Trung Âu - vốn từng kiềm chế hiệu quả làn sóng dịch bệnh thứ nhất - nay phải chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày một gia tăng nhanh chóng. Ngày 17/10, Áo, CH Séc và Ba Lan tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới về số ca mắc mới.
Hai ngoại trưởng EU đồng loạt mắc Covid-19 sau một cuộc họp
Ngoại trưởng Alexander Schallenberg của Áo và người đồng cấp Bỉ Sophie Wilmes đã ngồi cạnh nhau trong một bữa sáng tại một cuộc họp của Hội đồng các vấn đề đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg hồi đầu tuần này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Áo cho hay.
"Ông Schallenberg có thể đã nhiễm vi rút tại Hội đồng các vấn đề đối ngoại hôm 12/10", phát ngôn viên cho hay, nói thêm rằng ông Schallenberg không có triệu chứng và bị phát hiện mắc bệnh sau cuộc xét nghiệm thường xuyên.
Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes (Phải) tham dự một cuộc họp (Ảnh: AP). |
Trong khi đó, bà Wilmes hôm nay xác nhận bà đã có kết quả dương tính với vi rút, một ngày sau khi tự cách ly do có biểu hiện các triệu chứng khả nghi của bệnh, nhưng không rõ bà có thể nhiễm vi rút từ khi nào.
Cuộc họp trên có sự tham dự của nhiều quan chức đối ngoại EU, trong đó có người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, cùng các ngoại trưởng của Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bulgaria, Czech, Hungary, Đan Mạch...
Ba Lan: Nguy cơ hệ thống y tế quá tải
Ba Lan cũng thông báo ghi nhận 9.622 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao mới trong báo cáo số ca bệnh mỗi ngày tại quốc gia này.
Hồi đầu tuần, chính phủ đã kêu gọi người dân ở nhà, yêu cầu đóng cửa các địa điểm tập thể hình, bể bơi, rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng, yêu cầu các trường đại học và trung học giảng dạy từ xa.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp đẩy hệ thống y tế quốc gia vào nguy cơ quá tải, Chính phủ Ba Lan cũng đang cân nhắc xây thêm bệnh viện dã chiến và tăng bồi dưỡng cho các bác sĩ điều trị Covid-19. Chính phủ nước này đang nỗ lực để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng các chuyên gia cảnh báo kịch bản này sẽ khó tránh nếu tình hình hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn.
Thái Lan dự định rút ngắn cách ly trường hợp nhập cảnh
Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan vừa đề xuất Trung tâm Xử lý tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (CCSA) giảm thời gian cách ly đối với công dân về nước, từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
Dự kiến, trong cuộc họp vào tuần tới, DDC Thái Lan sẽ chính thức đệ trình đề xuất này lên tiểu ban của CCSA phụ trách giám sát công tác cách ly, kiểm dịch Covid 19.
Sau đó, tiểu ban này sẽ chuyển đề xuất đến ban lãnh đạo của CCSA để ra quyết định vào cuối tháng 10. Giám đốc DDC Opas Karnkawinpong cho biết nếu CCSA đồng ý với đề xuất trên, quy định về thời gian cách ly mới dự kiến được áp dụng trong tháng tới.
Ảnh minh họa. |
Đề xuất cắt ngắn thời gian cách ly được đưa ra dựa trên dữ liệu theo dõi của DDC đối với người nước ngoài nhập cảnh và công dân Thái Lan trở về từ ngước ngoài, kết hợp với nghiên cứu của Thụy Sỹ và tình hình công tác cách ly sở tại. Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn tại DDC cho rằng việc cắt ngắn thời gian cách ly sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh ở nước này.
Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn nêu rõ kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phòng chống lây nhiễm chủ yếu trong thời gian từ 1 đến 10 ngày. Tỷ lệ mắc Covid-19 trung bình của công dân Thái Lan trở về nước là 0,63%. Tính từ tháng 4/2020 đến nay, hơn 116.000 công dân Thái Lan đã trở về nước và được cách ly.