Một trong những trường hợp Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 là “e. Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của BLTTDS 2015”.
Theo đó, trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (QLNVLQ) cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có QLNVLQ mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.
Những trường hợp sẽ phải đình chỉ vụ án
Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có QLNVLQ theo hướng dẫn trên thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có QLNVLQ không còn nơi cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết tùy vào các trường hợp. Cụ thể, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chủ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có QLNVLQ theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”.
Trường hợp người bị kiện, người có QLNVLQ thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3, Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 BLTTDS 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có QLNVLQ.
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có QLNVLQ là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐTP này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 BLDS năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có QLNVLQ.
Trường hợp không thuộc các tình huống như trên mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có QLNVLQ nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có QLNVLQ theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có QLNVLQ thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015, trừ trường hợp tiếp tục giải quyết vụ án được hướng dẫn tại NQ 04/2014/NQ-HĐTP.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà phát sinh người có QLNVLQ thì Tòa án yêu cầu nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập cung cấp địa chỉ của người có QLNVLQ đó. Nếu nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập không cung cấp được địa chỉ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chủ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ thì đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có QLNVLQ có liên quan đến người có QLNVLQ đó theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 BLTDS 2015, trừ trường hợp tòa án tiếp tục giải quyết vụ án được hướng dẫn tại Nghị quyết 04.
Những trường hợp Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án
Đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có người có QLNVLQ thuộc diện thừa kế mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của người đó thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Phần tài sản mà người có QLNVLQ thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ được nhận thì Tòa án tạm giao cho người thân thích của ngươi đó hoặc người thừa kế khác quản lý. Quyền, nghĩa vụ của người có QLNVLQ thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ sẽ được Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.
Tòa án cũng tiếp tục giải quyết vụ án trong các trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều 477 BLTTDS 2015 và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ án bị đình chỉ giải quyết theo hướng dẫn tại Nghị quyết này thì theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015, người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án đó khi cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có QLNVLQ.