'Dị nhân' vùng núi Hà Nam

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng da dẻ cụ Đức và vợ vẫn hồng hào khỏe mạnh
Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng da dẻ cụ Đức và vợ vẫn hồng hào khỏe mạnh
(PLO) -86 tuổi, đáng ra cụ Bùi Văn Đức (ở thôn Đoan Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) nên nghỉ ngơi dưỡng già. Thế nhưng hơn chục năm nay, dù nắng hay mưa, một mình cụ cõng từng cân xi măng, xách từng túi cát, lên núi đắp tượng rồi tỉ mẩn tô vẽ như thể đó là những tuyệt phẩm cuối đời của mình vậy. 

Nếu tính khối lượng những bức tượng cụ Đức đắp có khi phải lên tới cả trăm tấn. Lý do duy nhất khiến cụ bỏ bao tâm huyết, sức lực chính là niềm đam mê. Nhiều người gọi cụ là nghệ nhân, nhưng cũng không ít người lắc đầu gọi là “dị nhân” bởi ở cái tuổi gần đất xa trời như cụ thì niềm đam mê của cụ thật không giống ai.

Nhà ngổn ngang như “chiến trường”

Hơn 10 năm nay, trên ngọn núi Đoan Vỹ (xã Thanh Hải), người dân không khỏi ngạc nhiên khi thấy một ông cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm ngày ngày cặm cụi lên núi đắp vẽ tượng.

Không khó để hỏi thăm về nhà cụ Đức, bởi lẽ cái biệt danh Đức “Voi” mà người dân nơi đây ưu ái đặt cho cụ khiến ai cũng biết. Theo lời người dân nơi đây, trong vô số những bức tượng nhỏ to cụ Đức đắp, cụ yêu thích và tâm đắc nhất là các tượng xoay quanh các chủ đề về voi.

Thật dễ dàng nhận ra ngôi nhà nơi “nghệ nhân già” đang sinh sống, bởi lẽ ngay từ ngoài tường rào xung quanh nhà đã hiện lên những bức tượng xi măng, những tranh vẽ bắt mắt nhiều màu sắc với những hình khối khác nhau. Điều đặc biệt, mỗi bức tranh, mỗi pho tượng đều mang ý nghĩa và có cốt truyện riêng của nó.

Khi chúng tôi đến nơi, cụ Đức vẫn đang đăm chiêu ngắm bức tranh “Long trầu hổ phục” sáng tác cho đình làng. Nhìn ánh mắt suy tư, như gửi gắm tâm tư của mình qua tác phẩm, mái tóc dài bạc trắng khiến cho mỗi người như cảm nhận được ở cụ sự tâm huyết giản dị không kém phần lãng mạn của người nghệ sĩ. 

Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp cụ để tìm hiểu về “công trình nghệ thuật” hiếm có thì cụ Đức cười như tâm đắc lắm về niềm đam mê kỳ lạ của mình. Khẽ nhấp chén trà nóng, cụ Đức vui vẻ: “Các cô có duyên lắm đấy, bởi tính tôi nghệ sĩ lắm chẳng mấy khi có mặt ở nhà.

Tôi có có thói quen đi bộ khắp làng, khắp xã. Lúc thì tạt vào nhà con chơi, khi lại lên núi ngắm những thành quả của mình là những bức tượng. Gần đây, thời giờ rảnh rang lại ra ngay chùa làng vẽ trang trí cho các cụ. Chứ già rồi cứ ngồi một chỗ cũng buồn bực chân tay lắm”.

Theo lời cụ Đức, trước cụ đi bộ đội, sau đó đóng quân ở Hà Nội, sau khi giải ngũ, cụ về quê lấy vợ làm nông nghiệp. Nhưng khi ngoài 70 tuổi, cụ lại hứng thú chơi cây cảnh, đắp tượng và lâu dần nó trở thành niềm đam mê kì lạ của cụ lúc cuối đời.

Ngồi nghe câu chuyện của chồng cụ Đinh Thị Ngùy, 85 tuổi, vợ cụ Đức xen ngang, kể về chồng giọng đầy tự hào: “Ông ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, phải đi ở đợ cho nhà người ta nên có được học hành gì đâu. Biết được cái chữ đã là may mắn lắm rồi.

Không chỉ giỏi đắp tượng, cụ Đức còn vẽ rất đẹp
Không chỉ giỏi đắp tượng, cụ Đức còn vẽ rất đẹp

Đắp tượng này cũng là tự ông ấy nghĩ ra mà làm thôi chứ làm gì có ai dạy. Ông ấy cứ nghĩ gì là đắp nấy, thấy gì là vẽ nấy. Vậy mà cũng đẹp ra phết. Cũng có khối người đến đây tham quan, rồi dân làng tới chiêm ngưỡng. Họ bảo tượng của ông ấy thoạt nhìn thì lạ nhưng lại đơn giản, thân quen và rất có hồn”. 

Lấy nhau gần 60 năm, cụ Ngùy chưa bao giờ thấy cụ ông cầm bút vẽ, cũng tuyệt nhiên không đắp nặn gì. Vậy mà hơn chục năm về trước, cụ Đức đột ngột thích vẽ, thích đắp tượng. 

Cụ Ngùy kể: “Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông ấy lại thích đắp vẽ. Khoảng năm 2002, ông ấy nói rằng sẽ lên núi đắp tượng xi măng. Tôi nghĩ nói đùa, ai ngờ cứ thế là hì hục vác xi, vác cát lên đó đắp đắp vẽ vẽ”.

Hiện tại, vợ chồng cụ Đức sống hạnh phúc bên con cháu. Mặc dù cuộc sống đạm bạc, đơn giản nhưng hai cụ sống vui vẻ và luôn khỏe mạnh. Chia sẻ về sinh hoạt hàng ngày, cụ Ngùy cho biết: “Vợ chồng tôi già rồi, nên ăn uống đơn giản và sống sống thanh đạm lắm. Nhất là ông ấy, mỗi bữa chỉ được lưng cơm, mì tôm thì được nửa gói. Nhưng ông vẫn rất chăm hoạt động cộng đồng, rồi đi đây đó leo núi đắp tượng nên sức khỏe ông ấy vẫn rất dẻo dai”. 

Yêu Hà Nội qua mỗi bức tượng

“Nhiều hôm về đến nhà tôi thấy ông ấy phơi tượng to, tượng nhỏ. Rồi nguyên vật liệu đắp tượng như bãi chiến trường. Lúc đã đắp tượng thì ông có thể quên ăn quên ngủ”, cụ Ngùy cho biết.

Số tiền dành dụm được từ việc tiết kiệm rồi con cháu cho, cụ đi mua từng bao xi măng sau đó bắt đầu với những tác phẩm đầu tiên ở nhà. Nói đến đây, cụ Đức dẫn chúng tôi đi thăm quan ngôi nhà cũng là “trại sáng tác” của cụ. Trong đó, cụ Đức đắp cả Chùa Một Cột, cầu Thê Húc, Bờ hồ Hoàn Kiếm.

Cụ tâm sự: “Biết vì sao mà tôi đắp hai bức tượng đó không? Vì tôi nhớ Hà Nội đấy. Ngày trước tôi đi lính, rồi vinh dự được về tiếp quản Thủ đô và được ở trên đó 3 năm. Tôi làm lính trật tự, nên 36 phố phường không chỗ nào là tôi không biết. Tôi thuộc từng tên đường, từng góc phố, không tin cô chú cứ thử mà xem”. Nói rồi cụ Đức vanh vách kể phố nào cạnh phố nào, có điểm gì nổi bật.

Nhìn những bức tượng, cụ Đức không giấu nổi những giây phút xúc động, hoài niệm về một thời sống giữa Thủ Đô ngàn năm văn hiến. “Những ngày ở Hà Nội, địa điểm tôi yêu thích nhất là chùa Quán Thánh và đền Ngọc Sơn. Nó đã trở thành một phần máu thịt trong con người tôi. Giờ về quê, nên tôi đắp lại những bức tượng đó để một phần tưởng nhớ về Hà Nội”, cụ Đức tâm sự.

Ngoài ra, bên cạnh việc đắp tượng, cụ Đức vẽ cũng rất có nghề. Trên tường nhà, là những bức tranh mô phỏng chuyện dân gian như Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy tinh… Mỗi câu chuyện, cụ đều dựng lại bằng những bức vẽ xen với tượng đắp, mô tả những chi tiết hay và đặc sắc nhất của câu chuyện. 

Lý giải việc này, cụ Đức thong thả phân trần: “Ở truyện Thạch Sanh, tôi chọn những chi tiết điển hình để xây tượng như: Thạnh Sanh giương cung bắn đại bàng cứu công chúa, hay cảnh Thạch Sanh vung rìu uy mãnh chém trằn tinh…; bên cạnh đó, sử dụng thêm hình vẽ sinh động để thể hiện lại câu chuyện một cách rõ ràng nhất”.

Chiếc ghế được cụ tỉ mẩn xây rồng chầu hai bên rất kì công
Chiếc ghế được cụ tỉ mẩn xây rồng chầu hai bên rất kì công

Trong mỗi bức tượng cụ Đức đắp, đều ẩn chứa những câu chuyện khác nhau. Đối với cụ, dù là đam mê của bản thân cũng phải gắn với việc lưu truyền kiến thức lịch sử cho con cháu. Cụ Đức bảo, cụ đi đến đâu đều quan sát phong cảnh rồi về đắp thành tượng như hồ Núi Cốc, rồi vịnh Hạ Long, chùa Bái Đính, non thiêng Yên Tử. 

Ngoài ra, trong ngôi nhà nhỏ xinh của cụ Đức còn có những chú voi nhỏ, được cụ đắp ngộ nghĩnh đáng yêu để dành làm đồi chơi, chỗ ngồi cho cháu nhỏ.

Nhắc tới những công trình về voi của mình, cụ Đức không quên chỉ tay về phía quả núi cao sừng sững phía xa nói: “Các cô hãy leo lên đó để thấy nó cao thế nào. Ngắm những gì tôi làm, xem đẹp xấu ra sao, ở đó mới là tất cả niềm đam mê khi cuối đời của tôi. Hoàn thành ước mơ cuối đời của mình, mà trước kia tôi cũng từng bị biết bao lời dị nghị, đàm tiếu từ dân làng đó. Người ủng hộ thì ít, mà chê thì nhiều. Có người còn gọi tôi là “lập dị”, là người bị “trời đày”...

“Kiến tha lâu đầy tổ”

Để “mục sở thị” công trình nghệ thuật của cụ Đức quả là gian nan đúng như người dân nơi đây vẫn nói. Để lên được đỉnh núi đó đúng là một thử thách không nhỏ với chúng tôi, huống hồ là một ông lão gần 90 tuổi. 

Phải mất nhiều giờ đồng hồ vật lộn tìm đường lên, rồi những dốc núi dựng đứng đầy những gai góc và cây dại chúng tôi mới tới được công trình tâm huyết suốt 10 năm qua của “dị nhân” đất Hà Nam này. 

Ngay khi công trình đắp tượng của cụ Đức mới bắt đầu, đã có không ít người tò mò vì sao bản thân cụ Đức lại chọn địa điểm nơi núi cao như vậy. Lý giải về điều này, cụ Đức bộc bạch: “Việc tôi xấy đắp tượng ở nhà coi như món quà tặng lại cho con cháu. Còn việc đắp tượng giữa đỉnh núi cao linh thiêng này là quà tặng cho tất cả mọi người. Tôi muốn những bức tượng tôi đắp nên, không chỉ con cháu mình, mà tất cả mọi người đều được chiêm ngưỡng, dù khen hay chê”.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đam mê của mình, cụ Đức cho biết: “Tôi già rồi nên không xách nặng được. Cứ túc tắc vậy thôi, kiến tha lâu cũng đầy tổ mà. Nước để trộn xi măng, cát, sỏi thì tôi cho vào hai vỏ can dầu 5 lít rồi xách lên. Khi nào có đủ mọi vật liệu thì lại đắp. Cứ nghĩ ra cái gì thì đắp cái đó thôi”.

Điều đặc biệt là cụ Đức không nhờ con cháu bất kỳ công việc gì. Mọi công việc dù nặng nhẹ thế nào cụ cũng tự tay làm tất. Các con, các cháu thấy vậy chỉ biết xót xa mà không có cách nào khác, bởi cụ đã quyết là làm cho bằng được. Ông Đạo tâm sự: “Anh em chúng tôi cũng lên ông lên bà hết rồi. Con cháu đầy đàn vậy mà cũng không thể gàn được cụ”.

Con Voi cụ Đức Tâm đắc
Con Voi cụ Đức Tâm đắc

Còn theo lời cụ Ngùy, “nhiều người không hiểu lại bảo gia đình chúng tôi bỏ mặc chồng vất vả. Con cháu có biếu tiền ăn quà, thì ông ấy lại tiết kiệm để mua xi măng, sắt thép làm tượng. Nhiều khi còn mải làm quên cả ăn trưa, con cháu lại phải lên gọi. Nhiều hôm mang cả cơm lên núi cho ông ấy ăn rồi làm qua trưa luôn”.

Lạ một điều, trong suốt hơn 10 năm xách xi, xách cát lên núi, cụ Đức chưa từng bị tai nạn, chưa từng sảy chân một lần nào. Không những thế, sức khỏe cụ còn dẻo dai, trí óc minh mẫn vô cùng. 

Nhắc tới chuyện này, cụ Đức cười bảo: “Chắc tại ông trời phù hộ tôi đấy mà. Con cháu cũng góp ý giúp tôi chuyển vật liệu, nhưng tôi không đồng ý. Phần vì tôi biết con cháu giờ ai cũng có công việc của mình, nên tôi không muốn phiền ai cả. Hơn nữa đây là đam mê và mơ ước cuối đời của tôi. Tôi muốn để lại một cái gì đó cho con cháu và thế hệ sau này. Vì vậy tôi muốn chính tay tôi là người thực hiện, có như vậy tôi mới mãn nguyện”, cụ Đức cho biết. 

Đắp theo nhân vật trong truyện

Quả thực chỉ khi được tận mắt chứng kiến những thành quả trên đỉnh núi cao của cụ Đức mới thấy, chỉ có niềm đam mê, sự quyết tâm mới có thể làm được. Mặc dù cụ Đức luôn miệng nói “tôi nhớ gì tôi đắp cái đó thôi”, đắp “ngẫu hứng”. Nhưng công trình “nghệ thuật" đầy ngẫu hứng của tuổi già xem ra lại rất quy củ và ý nghĩa.

Đường lên đoạn dốc đá cheo leo, cụ Đức còn kì công làm tường rào, tay vịn cho người xem dễ đi. Mặc dù, trên đỉnh núi, nhưng khuôn viên tượng của cụ có cổng đi vào, có tượng hai vị tướng canh giữ uy nghiêm. Bước qua cánh cổng là một cây cầu nhỏ bằng đá nằm vắt ngang. Có khuôn viên cầu kì mà theo lời cụ Đức “Đó là khuôn vườn của những vị vua chúa ngày xưa”.

Đi qua được cây cầu ấy là sẽ đến một thế giới tượng đắp sống động. Mỗi bức tượng đều có thêm phần ghi chú tỉ mỉ và cẩn thận. Khó có thể tin được những con voi, con ngựa sừng sững trên núi cao ấy lại là công sức, là sản phẩm của một người đã ở cái tuổi gần “cửu tuần”.

Nhắc tới khuôn viên tượng trên non cao, cụ Đức bắt đầu kể liên hồi về ý nghĩa từng bức tượng mình làm ra. Nào Lã Vọng ôm cần ngồi câu cá, nào Thánh Gióng cưỡi ngựa tung roi sắt giết giặc. Rồi cụ dựng lại sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, với công chúa xiêm y đứng e thẹn bên cạnh là lễ vật cầu hôn với voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Con đường cheo leo lên núi mà cụ Đức kì công xây dựng và làm cả tay vịn.
Con đường cheo leo lên núi mà cụ Đức kì công xây dựng và làm cả tay vịn.

Hỏi cụ Đức rằng trong công trình nghệ thuật ấy, cụ tâm đắc và bỏ nhiều công sức vào bức tượng nào nhất thì cụ trả lời đó là bức tượng voi. Nó đã “ngốn” không ít thời gian, tiền bạc và công sức của cụ. 

Cụ Đức nhẩm tính: “Con voi đó nặng cũng phải đến hàng chục tấn, tôi làm nó cũng phải gần một năm mới xong. Khó nhất là làm lõi sắt. Sức tôi già rồi cưa được từng thanh sắt, uốn được nó cong cong theo ý của mình đâu phải là chuyện dễ. Tôi làm sẵn cả yên cương trên đó, cháu nào thích có thể lên đó ngồi rồi chụp ảnh kỷ niệm cũng được”.

Nghe những gì cụ nói, quả không hổ danh người dân nơi đây gọi cụ là Đức “voi”. Nhắc tới biệt danh của mình, cụ Đức giải thích: “Tôi đặc biệt thích đắp voi, bởi lẽ voi là một con vật hiền lành và cũng rất dũng mãnh. Từ trước đến nay voi được coi là loài vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc”.

Cụ Đức ôn tồn giảng giải, trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến “Voi chín ngà”, là sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cầu hôn Mị Nương. Rồi những con voi được thuần dưỡng từ thời Hai Bà Trưng chống quân Hán và bà Triệu, họ đã dùng voi vào trong chiến trường đánh quân Ngô (con voi trắng một ngà).

Voi được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng rất nhiều vào trong quân sự lẫn dân sự. Đến thời Quang Trung, voi là một trong những chiến binh cừ khôi nhất, giúp nhà vua đánh Chúa Trịnh dẹp Chúa Nguyễn, đánh ngoại bang quân Thanh, quân Xiêm.

Ngắm nhìn những đống xi măng nguyên liệu, mà qua bàn tay tài hoa, tâm huyết của cụ Đức nó trở thành những bức tượng có hồn và sống động, không chỉ chúng tôi mà nhiều người khi lên núi xem tượng cụ đắp đều có nhận xét rằng, tượng của cụ lạ, nó ẩn chứa sự gần gũi nhưng lại rất linh thiêng, hồn cốt. Nhìn tổng thể những bức tượng này, cho người xem cảm giác mỗi bức tượng giống như những vị thần, cai quản nơi núi cao.

Hỏi cụ còn ý tưởng nào mà cụ chưa thực hiện được thì cụ cười bảo rằng: “Trong đầu tôi vẫn còn rất nhiều ý tưởng nhưng sức khỏe có vẻ không ủng hộ tôi nữa rồi. Chắc cũng phải dừng thôi. Con cháu cũng phản đối kịch liệt quá. Tôi cũng không muốn để chúng phải lo lắng nhiều nữa. Ngày xưa nghèo chỉ lo làm lo ăn. Đến khi không phải lo cho con cái nữa thì sức khỏe cũng chả còn nhiều để mà làm những thứ mình thích. Tiếc thật!”.

Cho đến bây giờ, khi tận mắt mục sở thị công trình “nghệ thuật” của một ông cụ U90 trên một đỉnh núi cao, chúng tôi vẫn thắc mắc không hiểu động lực nào, sức mạnh nào giúp cụ làm được điều đó, quả đúng là rất kỳ diệu…

Ông Bùi Văn Đạo, con trai cả của cụ cho biết: “Thấy sở thích quái dị của cụ, chúng tôi làm con cái sinh lo mà khuyên thì không được. Chẳng hiểu đó có phải là đam mê của cụ hay có một “thế lực ngầm” nào đó khiến cụ phải hành xác tuổi già đến như vậy”.

“Có người làng độc mồm còn bảo cụ già nên có vấn đề về thần kinh, người thì bảo cụ bị ma làm, bị trời đày là “dị nhân”. Mà không dị sao được khi mà ở cái tuổi đi chẳng vững ấy, cụ cặm cụi dành dụm từng đồng của con cháu cho tiêu vặt để mua xi măng, sắt thép. Rồi lại tự tay mình vận chuyển những vật liệu đó lên núi đắp tượng, khiến phận làm con cháu chúng tôi không khỏi lo lắng”.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.