1.Bà cụ Mạc rải thóc ra, bầy chim sẻ liền sà xuống mổ lích chích, lích chích. Khung cảnh thật lạ lẫm giữa làn xe cộ ồn ào đông đúc qua lại. Mái tóc bà đã bạc theo thời gian, cột vào đó cả những sợi rét cuối thu đầu đông. Với nhiều người hình ảnh đó có thể chẳng đáng xúc động, nhưng với một thân cổ thụ như ta thì là hình ảnh tuyệt đẹp.
Cuộc sống còn nhiều chuyện đẹp như thế, hơn thế làm rung động đến cỏ cây. Ta là cây bàng già, à, gọi là gã bàng già cũng được, hiện diện ở góc phố này hơn một trăm năm. Như thế, ta là cổ thụ, nhỉ? Ta không biết tại sao mình có thể thọ đến thế. Nhưng sống ngần ấy tuổi, chứng kiến biết bao sự đổi thay của thành phố văn hiến với chiều dài lịch sử kiên hùng, ta vẫn nao lòng nể bà cụ Mạc.
Với quán nước chè, suốt mấy chục năm bán chè, ngoài nuôi mình bà chỉ nuôi bầy chim trời. Bà gọi chúng là con, như ta đây cũng gọi ong bướm, chim chóc là con. Ta cộng sinh với chim trời đấy nhé. Ta già nua thế này nhưng mê tiếng chim hót. Khi thì chim sẻ, lúc là vành khuyên, có lúc lại là cu gáy. Từ chỗ ta ra công viên cây xanh không xa, ta tự hào vẫn còn đủ hấp dẫn để bầy chim tìm đến.
Tất nhiên ta có cách để lũ sâu róm không bén mảng tới những tán lá, nhánh cành của mình. Mấy chục năm qua, bà cụ Mạc bán nước chè, tán bàng ta che chở cho bà, cho bầy chim. Ta chứng kiến xúc động những nghĩa cử đẹp tuyệt vời rất đỗi thiên nhiên.
Từ hai năm qua chỉnh trang đô thị, bà cụ Mạc cũng đã già, không bán nước vỉa hè nữa. May thay, có anh nhà giáo nọ vì nể đức tính cần mẫn của bà, nhận là mẹ nuôi, thi thoảng vẫn qua lại hỏi thăm nhau, làm tình mẹ con ấm lên. Đúng khi đó, vợ anh nhà giáo nổi hứng kinh doanh, đã bàn bạc với chồng và thuê căn nhà có mặt
tiền trông ra chỗ bà cụ Mạc ngồi. Chị Hiền, vợ anh nhà giáo liền mời cụ ở cùng để tiện chăm cháu, bầy chim, đằng nào thì quê cụ cũng cách đây vài chục cây số, lại có một thân một mình, không chồng không con.
Bà cụ nhận lời. Âu cũng là cái phúc cái đức ở đời mang ra đối đãi nhau. Bà cụ có một tổ ấm mới và vẫn gần bầy chim, ở không gian mấy chục năm qua nuôi sống bà, cho bà điều kiện để được làm mẹ những nàng ca sĩ bé bỏng của thiên nhiên. Lích chích, lích chích. Chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ xa được bầy chim và chúng cũng chẳng thể nào xa được bà.
Chúng chỉ bay đi đâu đó sang bên kia công viên chơi, nhảy nhót ở không gian lớn hơn, hoặc đi tìm bạn. Rồi kiểu gì cũng phải về sống bên bà cụ và ta, và cây cơm nguội cạnh ta nữa. Bà cụ vẫn rải thóc gạo, nuôi chim. Vợ chồng người con nuôi cũng thích làm công việc đó. Tình cảm gắn bó tuyệt vời.
2. Anh nhà giáo, phải rồi, gọi thế vì anh cũng chừng năm mươi tuổi, còn kém ta tới hơn tám mươi năm. Anh mê sách, đàn hát, nhất là dương cầm. Chao ôi, anh đã dùng hai tầng trên của ngôi nhà làm chỗ sinh hoạt, tầng một và tầng hai là quán cà phê. Đêm đến, thi thoảng anh có chơi dương cầm làm ta dường như trẻ ra đến vài chục tuổi.
Ta già nua nhưng thích nhạc. Mùa thu ta bắt đầu rụng lá. Ta đi vào tác phẩm nhiếp ảnh, vào lời ca, những áng tản văn tùy bút diệu vợi. Trước đây, nhiều nhà văn nhà thơ đã dừng ở đây uống nước chè của bà cụ, ngắm bầy chim, và không thể không ngắm ta và nàng cơm nguội. Phải, ta gọi thế vì bạn ấy là nữ, ít hơn ta vài chục năm tuổi.
Cũng phải kể lại thế này, trước đây nàng ấy và ta có mâu thuẫn. Nhưng chỉ là mâu thuẫn một phía, vì ta chẳng gì giận nàng. Nàng ấy từng chê ta già nua, lá thì to bản, thô kệch, cành thì èo uột, gốc thì xù xì đầu bò đầu bướu…Vậy mà chẳng hiểu sao bầy chim cứ sán lấy. Ô hay, thế thì đi mà hỏi bầy chim. Đến khi thu về se lạnh, đông sang, lá ta biến màu đỏ quạch, đỏ đến da diết, rất thơ, rất phố và được nhiều chàng trai cô gái chụp ảnh, cây cơm nguội cũng gắt gỏng rằng ta đỏ một cách… điêu ngoa.
Ô, thế thì đi mà hỏi mùa thu, đất trời ấy chứ. Sao lại trách ta. Thì ra là nàng ta ghen vì ta được quan tâm hơn. Nàng cũng là cây ở phố, nhưng chua ngoa đanh đá không ai dám gần, rồi lúc chùng xuống, muốn gần gũi với bầy chim, nhưng bầy chim lại sợ, đề phòng nàng. Chuyện đó đã diễn ra lâu lắm rồi.
Từ trước khi bà cụ Mạc về đây bán nước chè cơ. Khi đó ta đã là chỗ trú ngụ cho nhiều chú chim ưu phiền, những chú chim cô đơn và hoang lạnh. Ta thành chứng nhân ở góc phố nhộn nhịp này. Cuộc sống không ngừng rót đầy toan tính và nỗi quên lên những ô vuông của năm tháng.
3.Mọi người biết không, ta đã phải cầu xin thiên nhiên hãy cho nàng ta trở nên quyến rũ hơn. Thiên nhiên lắng nghe ta. Tiết trời Hà Nội lắng nghe ta nên cho thỏa nguyện. Chuyện cứ như một phép màu. Mùa xuân lá cơm nguội ngon như cốm và mùa hè thì cây cơm nguội biêng biếc xanh. Thu đến cũng được thay áo mới, vàng ửng, rồi vào đông thì vàng đến nao lòng, quyến rũ vì lá lác đác đỏ giống màu lá bàng.
Tên nàng dù xấu xí, nhưng khoác áo mới, tươi cười nhìn rõ trẻ trung, xinh xắn. Nàng đứng cạnh ta lại trở thành cặp bài trùng về vẻ đẹp, tôn bồi cho nhau. Nàng không chê ta nữa mà ngược lại, hiểu cái bụng ta đã cùng làm cuộc cộng sinh suốt bao mùa nên hết lời khen ngợi. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”. Lời hát say đắm lắm.
Vậy hỏi mùa thu, vì sao ta và nàng ở bên nhau lại làm thành mùa đặc biệt đến thế? Họ hàng của ta và của nàng, giờ đây, cứ cuối thu đầu đông lại thay áo mới, tha thiết làm nên tiết trời và vẻ đẹp trữ tình của thành phố. Hỏi mùa thu, sao đưa ta đến cái duyên thơ mộng này?
Khi ta thả những tờ thư đỏ lên mặt đường, nàng cũng dịu dàng buông xuống những chiếc lá nhỏ xinh như môi thiếu nữ. Chỉ còn những cành cây trơ gầy, tưởng đã chết khô kia sẽ mau chóng bật ra những cái mầm màu đồng. Xuân đến, ta và nàng thường tắm trong tiết ấm và mưa phùn sẽ lại trổ từng tờ lá xanh tươi như lời ước hẹn…
Ấy thế nhưng, cuộc sống đâu chỉ có những niềm vui. Để sống được, bản thân mỗi cái cây đều phải oằn oại đương đầu với nắng mưa, gió bão. Sự khắc nghiệt cộng với thời gian làm trầm đọng ngay cả những tiếng thở dài của mùa.
4. Cũng không thể ngờ lại có chuyện thay đổi vào cuối thu năm nay. Gia đình anh nhà giáo có chuyện. Vợ chồng anh không thuê nhà bán cà phê nữa, mà trở về sống căn nhà ngõ trong cách đó vài chục thước. Con họ mắc bệnh ung thư. Chao ôi căn bệnh ác nghiệt, có thể rơi vào bất cứ ai. Của nả gia đình phải đội nón ra đi.
Người vợ muốn dành tâm huyết chăm con. Bà cụ Mạc cũng về đó. Góc phố từ đó buồn hẳn, không còn tiếng dương cầm, hình ảnh bà cụ và người con nuôi chốc chốc lại ra hè phố vỗ về bầy chim trời. Dù vào nhà trong bà cụ vẫn ra ngày chục lần chỉ để rãi thóc cho chim, nhưng không được thường xuyên. Lũ chim có gì đó buồn lắm, ngay cả những cái đập cánh cũng xao xác vỗ vào thu.
Ngôi nhà được người khác thuê lại. Họ mở quán ăn. Khách xêm xêm đông nhộn nhạo bia rượu. Xe pháo để đầy vỉa hè người ra vào nườm nượp, không còn chỗ cho tấm lòng thảo thơm của bà cụ tãi ra một cách thoải mái. Bà lựa lúc vắng khách mới chậm rãi mang thóc đãi con. Chim trời đậu trên cành của ta, chỉ chờ thế sà xuống tíu tít gọi mẹ và xin ăn.
Chao ôi chúng vừa vụng về, tinh nghịch vừa đáng yêu. Ta gửi xuống những tiếng lá đỏ. Ta yêu và mong cuộc sống như trước đừng trôi đi. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Ông chủ quán và đám nhân viên dắt xe máy chẳng yêu gì lũ chim. Bọn họ tục tằn xua đuổi, sẵn sàng tháo dép, tháo giày ném vào chúng, khiến một vài con bị thương, con bỏ mạng.
Bà cụ Mạc có lần cũng bị quát vì làm vướng chân đám nhân viên nhả nhớn, tóc xanh, tóc đỏ. Ta thở dài. Mùa thu trôi ảm đạm sang đông. Lũ chim cảm thấy cái ớn lạnh tràn vào cuộc sống.
Con trai anh giáo phải điều trị dài dài. Anh vẫn được đời níu giữ như một chiếc lá. Nhưng bà cụ Mạc thì ốm nặng. Bà ốm mà bầy chim phiền hẳn. Đúng là mẹ đau con buồn. Bình thường đỗ trên thân cổ thụ, bầy chim rất nhớn nhác tinh nghịch, nhưng thiếu vắng bàn tay bà cụ chăm sóc, bầy chim không dám sà xuống hè phố vì sợ dép và giày ném phải.
Có khi họ bẫy cả đàn làm bữa nhậu. Chẳng gì là không thể diễn ra. Bầy chim ru rú trên thân ta và nàng cơm nguội. Chúng ta cũng không thể vui hơn trước sự việc hiện tại. Đặc biệt ta thiếu tiếng hót, lòng sẽ cồn cào hiu hắt. Ta gửi vào mông lung những tờ lá đỏ, như những tờ thư viết rời rạc trong khi tâm trạng trống tênh.
Cụ Mạc nằm viện. Bầy chim không nhận được tin tức, liền bỏ ra khu công viên, nơi nhiều cây cối, có sâu bọ và côn trùng để kiếm ăn. Bàng và cơm nguội già nua đứng nhìn nhau mà quặn thắt ruột gan. Chao ôi, có thể nào bà cụ Mạc không qua khỏi?!
Đời người mà, luôn bị giới hạn bởi tuổi tác. Chúng ta không mong điều đó. Chúng ta mong cụ Mạc và con trai của anh nhà giáo khỏe lại, đám ăn uống bia bọt kia chuyển đi nơi khác, nhường lại không gian này cho gia đình cụ Mạc và bầy chim. Và cả chúng ta nữa.…
5. Đó chỉ là mơ ước và lời thầm thì cầu xin của ta trước thiên nhiên rộng lượng. Thiên nhiên rộng lượng mà cũng khó lường. Thôi đành hỏi mùa thu, rằng bầy chim có cơ hội trở về với ta và cơm nguội, với góc phố này?
Hình như thu muốn tỏ bày điều gì đó. Ta thấy tiết trời nhuộm lá ta đỏ hơn, làm lá cơm nguội vàng hơn. Chúng ta đang khoác một chiếc áo rực rỡ, nhưng những nàng ca sĩ của bầu trời còn mải mê ở đâu đó ngoài cao xanh kia. Nào chim chóc, thôi đừng đi nữa, hãy về lại góc phố quen.
Truyện ngắn của Quê Hương