Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, Ủy ban TCNS đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ TCNS trong năm 2019 đã đề ra.
Về cơ bản, Ủy ban TCNS nhất trí với Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đánh giá tình hình thu NSNN năm 2019, Ủy ban TCNS cho rằng, dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.
Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao… Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm.
Về thu từ thuế và thu từ các khu vực kinh tế, theo Ủy ban TCNS, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán.
“Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nói.
Về chi thường xuyên, Ủy ban TCNS nhận thấy dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Về chi đầu tư phát triển, ông Hải cho hay,Ủy ban TCNS thấy rằng, trong tiến trình cơ cấu lại chi NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Trung ương, Chính phủ và các ngành, các cấp đã chú trọng tăng chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Tuy nhiên, đối với chi ĐTPT vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục.
Thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.
“Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn Luật đầu tư công, Luật quản lý nợ công”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng chỉ ra tình trạng vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.
Ủy ban TCNS cho rằng nguyên nhân của tình trạng giải ngân nêu trên vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn…
Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp.
Vì vậy, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về TCNS, trong đó có Luật đầu tư công.
Về chi cải cách tiền lương, theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTW cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.