Thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, khó xác định NCC
Theo Bộ LĐTB&XH, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng hiện hành ban hành năm 1994 đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần (các năm 1994, 2005, 2007, 2012) nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cơ bản hoàn thiện và mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng, cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi, đã tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện chính sách NCC với cách mạng.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Một số thuật ngữ chưa được giải thích rõ dẫn đến vướng mắc trong xác định phạm vi, điều kiện xác nhận NCC. Một số khái niệm, thuật ngữ và tiêu chí như: người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ hoặc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh,... chưa được giải thích, làm rõ.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh chưa quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối với một số đối tượng NCC với cách mạng. Theo đó, chưa quy định cụ thể về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Hơn nữa, quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong các giai đoạn chưa phù hợp với thực tiễn. Một số điều kiện xác nhận còn quá rộng, chưa cân đối giữa các lực lượng và trong tổng thể chính sách ưu đãi. Ví dụ, điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh trong trường hợp “đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” chưa cụ thể, chưa xác định rõ địa điểm, phạm vi không gian, dẫn đến trên thực tế nếu bị tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở bất cứ đâu cũng được xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh.
Ngoài ra, điều kiện xác nhận liệt sĩ đối với thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát còn quá rộng. Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn.
Chưa đảm bảo cân đối về chế độ ưu đãi NCC
Bất cập khác từ thực tiễn thực hiện Pháp lệnh NCC được đề xuất hoàn thiện, đó là một số quy định về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng.
Hiện tại, pháp luật chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân khi người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 61% trở lên đã được hưởng).
Pháp lệnh hiện hành cũng chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, NCC giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.
Một “khoảng trống” khác ảnh hưởng đến thực hiện chính sách NCC, đó là chưa có quy định vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng (vợ) khác nhưng đã có trách nhiệm chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và được Nhà nước mua bảo hiểm y tế.
Đồng thời, quy định điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng chế độ trước ngày 01/9/2012 hiện chỉ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quy định thân nhân liệt sĩ của 4 liệt sĩ trở lên cũng chỉ được hưởng tối đa 3 định suất tuất là không phù hợp.
Ngoài ra, quy định về tên gọi của nhóm đối tượng “người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”, “người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày”, “người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” còn chưa phù hợp, thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Từ những lý do nêu trên, để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcvề ưu đãi NCC với cách mạng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và khắc phục những vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh hiện hành, việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) là cần thiết.
Theo Bộ LĐTB&XH, những bất cập này cần được sửa đổi, bổ sung trong Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC.