Tại Hà Nội, Bộ Tư pháp hôm qua tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đối tượng tác động đối với dự thảo Nghị định qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. |
Hành nghề luật sư không đủ điều kiện bị phạt đến 50 triệu đồng
Ông Phạm Văn Lợi (Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp) cho biết, bên cạnh những hành vi đã qui định tại Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã bỏ một số hành vi không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung một số hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
Mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp dự kiến từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy theo mức độ và hành vi vi phạm, trong đó mức phạt 50 triệu đồng được áp dụng cho một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực luật sư và và tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ - Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị định qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, cho biết, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các đối tượng tác động về nội dung dự thảo Nghị định để Nghị định bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật chuyên ngành; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trong tình hình mới là vấn đề cấp bách và cần thiết. Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 4. |
Trong đó, hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào không đủ điều kiện hành nghề theo qui định của pháp luật, hoặc vi phạm một số điều kiện cụ thể sẽ bị phạt 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Chung (Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), qui định về mức phạt trong dự thảo Nghị định còn chưa thống nhất, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện và khiến người bị phạt “không tâm phục khẩu phục”.
Đại diện nhiều cơ quan tư pháp đã đề nghị tăng mức xử phạt đối với một số hành vi làm giả giấy tờ tư pháp, qui định xử phạt thêm đối với một số hành vi đang bị vi phạm nhiều như đăng ký khai sinh cho người chết, đăng ký kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn, mượn bằng cấp, giấy khai sinh của người khác…, để các cấp cơ sở có căn cứ xử phạt những hành vi “cố tình vi phạm” đó.
Đồng thời tạo ra “barie” cho cán bộ tư pháp cơ sở và người dân không thực hiện những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý tư pháp của chính quyền địa phương và tạo ra tâm lý “nhờn luật” trong xã hội.
Đề xuất phạt nặng hơn hành vi thông đồng, dìm giá
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bán đấu giá Lạc Việt – Hà Nội) cho rằng, mức phạt trong lĩnh vực bán đấu giá chưa đủ sức răn đe.
Lấy ví dụ là khoản 3 điều 16 dự thảo Nghị định, hành vi thông đồng, dìm giá trong hoạt động bán đấu giá sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bà Hạnh nhấn mạnh, “thông đồng, dìm giá là hành vi nguy hiểm nhất trong lĩnh vực bán đấu giá. Nếu chỉ phạt với mức như vậy thì không thể truy cứu đủ trách nhiệm của người vi phạm và cũng không có tác dụng ngăn chặn hành vi này vì lợi ích thu được lớn hơn rất nhiều”.
Để có tác dụng xử phạt thực tế, mức phạt đối với hành vi thông đồng, dìm giá phải được xác định trên giá trị tài sản được mang ra bán đấu giá và phải tương đương với mức thiệt hại về tài chính do hành vi gây ra.
Đại diện của Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Viện đề xuất, mức phạt cho hành thông đồng, dìm giá trong bán đấu giá phải được xác định từ 10% đến 20% của tổng giá trị tài sản có giá trị lớn trên 1 tỷ đồng hoặc chia nhiều mức phạt hơn nữa căn cứ vào tổng giá trị tài sản bán đấu giá…
Huy Anh