Chưa rõ tư cách pháp lý của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
Đơn cử, Luật Luật sư hiện hành chưa quy định rõ về tư cách pháp lý của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài nên trên thực tế có tình trạng một luật sư nước ngoài đồng thời làm Trưởng 02 Chi nhánh hoặc vừa là Giám đốc, vừa là Trưởng Chi nhánh tại cùng một thời điểm. Điều này dẫn đến làm giảm hiệu quả quản lý, điều hành tổ chức, nhất là trường hợp Công ty, Chi nhánh không có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố, đồng thời chưa tương thích với quy định tương tự về tư cách pháp lý của người đứng đầu tổ chức chức hành nghề luật sư Việt Nam là chỉ cho phép luật sư được thành lập, tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư và phải là Trưởng văn phòng.
Điều 74 Luật Luật sư quy định về điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam thì một trong những điều kiện luật sư nước ngoài phải có “kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế”, “cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”. Tuy nhiên, quy định này mang tính định tính, có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất, phát sinh thủ tục hành chính khi luật sư phải làm văn bản cam kết.
Do đó, sửa đổi Luật Luật sư, Bộ Tư pháp đề nghị quy định rõ một luật sư chỉ được làm Trưởng 01 Chi nhánh hoặc Giám đốc 01 Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam trong cùng một thời điểm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, phù hợp với nhu cầu hoạt động thực tế của tổ chức hành nghề luật sư.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 74 của Luật Luật sư theo hướng: Quy định cụ thể thời gian luật sư nước ngoài đã được cấp Thẻ luật sư và hành nghề luật sư ít nhất 02 hoặc 03 năm thì được xem xét, cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam. Đồng thời quy định rõ, luật sư nước ngoài phải “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”, “có phẩm chất đạo đức tốt” tương tự như luật sư Việt Nam.
Khắc phục tình trạng khó xác định tư cách luật sư
Về cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài (các khoản 1, 3, 4 Điều 82), theo quy định của Luật Luật sư về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, quy định về Chứng chỉ hành nghề luật sư của mỗi nước khác nhau, có nước quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư một lần, có giá trị vĩnh viễn (Pháp, Đức...), có nước quy định hàng năm luật sư được cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đó vẫn đang có tư cách hành nghề luật sư hợp pháp (Úc, Anh, Hồng Kông, Malaysia...). Do đó, quy định hiện nay của Luật Luật sư là chưa phù hợp vì khó xác định được người đó có tư cách luật sư tại thời điểm làm thủ tục cấp phép hay không, đặc biệt là đối với những nước quy định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo từng năm Tương tự, hồ sơ gia hạn Giấy phép hành nghề cho luật sư nước ngoài theo quy định hiện hành của Luật Luật sư hiện nay không còn phù hợp, có thể xảy ra trường hợp tại thời điểm gia hạn, người đó không còn tư cách luật sư nước ngoài nữa.
Khoản 5 của Điều 82 quy định hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép phải gửi đến Bộ Tư pháp chậm nhất trước 30 ngày trước khi hết thời hạn ghi trên Giấy phép, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp quyết định việc gia hạn Giấy phép. Quy định này dẫn đến tình trạng nhiều luật sư gửi hồ sơ quá sớm (trước nhiều tháng) trước khi Giấy phép hết thời hạn, trong khi đó, thời hạn giải quyết việc gia hạn phải trong 07 ngày làm việc dẫn đến việc gia hạn vào thời điểm khi Giấy phép còn thời hạn dài. Nếu Bộ Tư pháp không xem xét, giải quyết gia hạn ngay thì sẽ vi phạm quy định về giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 82 của Luật Luật sư theo hướng: Quy định rõ Giấy tờ để xác định được luật sư nước ngoài có tư cách luật sư tại thời điểm làm thủ tục cấp phép hoặc gia hạn Giấy phép; Sửa đổi quy định hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép phải gửi đến Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày trước khi hết thời hạn ghi trên Giấy phép; Nghiên cứu, giảm thời hạn có giá trị của Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài từ 05 năm xuống còn 02 đến 03 năm cho tương thích với Giấy phép lao động của người nước ngoài.