Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (một trong những căn cứ để Chính phủ trình đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước), tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã bổ sung, chỉnh lý Dự thảo Luật nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam…
Tham gia phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong Dự thảo Luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng Luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.
Theo Đại biểu Nga, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, những người này sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Nga nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.
Cũng tán thành với việc đổi tên Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Dự án Luật Căn cước, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, thẻ căn cước mang tính chất định danh và thẻ căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, chủ yếu là về mặt hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc - cơ sở dữ liệu quốc gia mà chúng ta lưu trữ.
Theo Đại biểu Thúy, chúng ta đang hướng tới tiến đến một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Tuy nhiên, nữ Đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần xem xét đối với nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận căn cước, bởi theo bà, có một số trường hợp chúng ta có khả năng cấp thẻ căn cước thay vì giấy chứng nhận.
Cho rằng các đối tượng điều chỉnh trong Dự thảo Luật gồm có người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên nên Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cũng thống nhất gọi tên luật là Luật Căn cước. Nhưng Đại biểu Luyến đề nghị, cần giải thích rõ về khái niệm “người gốc Việt Nam” trong phần giải thích từ ngữ.
“Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt mà là cư dân của các nước lân cận sang, ta có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không?”, Đại biểu nêu vấn đề và cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, Luật này áp dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.
Do đó, Đại biểu Hạ đề nghị, cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ người gốc Việt vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?