Cần “phân vai” cho doanh nghiệp
Theo TS Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (Vinasme), năm 2024 chuẩn bị kết thúc, chúng ta đang bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông tin tưởng chắc chắn rằng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%.
“Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu đề ra trên tinh thần thận trọng, không chủ quan, Vinasme đã có những kiến nghị, “hiến kế” với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ một số vấn đề quan trọng”, lãnh đạo Hiệp hội cho biết.
TS Nguyễn Văn Thân cho rằng, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề, nhưng chủ yếu lớn lên nhờ bất động sản mà chưa có nhiều doanh nghiệp nổi bật trong khu vực và thế giới ở các lĩnh vực cạnh tranh quốc tế. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước.
Do đó, TS Nguyễn Văn Thân cho rằng, Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển 1 lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
TS Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. |
“Chẳng hạn như Tập đoàn Sun Group chuyên về phát triển du lịch, Tập đoàn Hòa Phát chuyên về phát triển thép, Tập đoàn Vingroup chuyên về phát triển xe điện... Đây chính là bài học của Hàn Quốc dưới thời của Tổng Thống Park Chung Hee để bật dậy nền kinh tế và nâng cao thương hiệu cạnh tranh quốc gia, đó là tập trung phát triển những “con sếu đầu đàn” gắn liền với ngành nghề cụ thể”, Chủ tịch Vinasme nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vinasme cho biết, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động. Tuy nhiên, đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa. Hiện doanh nghiệp vừa có khoảng 30.000 doanh nghiệp – chỉ chiếm 4% nhưng là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất – kinh doanh khá chuyên nghiệp.
“Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa”, TS Nguyễn Văn Thân cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Vinasme, cả nước hiện có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp. “Điều này là rất thiệt thòi đối với họ”, ông Thân nói và kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để “chính thức hóa” chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, Chính phủ cần đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực thực hiện dự án lớn
Chủ tịch Vinasme cho rằng, cần đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đây là những dự án cấp thiết, tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương. “Việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động”, Chủ tịch Vinasme đánh giá.
Lực lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 3% nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. |
Việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đặt ra thách thức là nguồn vốn để thực hiện, làm sao để dự án đạt đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là “tiết kiệm chi phí hợp lý”. Đại diện Vinasme cho rằng, cần có một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong dân” để phục vụ dự án trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. “Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, TS Nguyễn Văn Thân gợi ý.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Thân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia,...). Điều này sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro các Nhà thầu hay Chính phủ nước ngoài gây áp lực, chỉ định đơn vị thầu.
Tiền số được doanh nghiệp quan tâm
Theo TS Nguyễn Văn Thân, mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường tiền số nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ. “Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà và một số đơn vị nghiên cứu về thị trường tiền số nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thông tin gì”, ông Thân nói và cho rằng, vấn đề Việt Nam liệu có triển khai thị trường này không là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm.