Sáng 13/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-14/4.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Mélanie Joly trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Canada, góp phần củng cố quan hệ hai nước Việt Nam - Canada nói chung và giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng. Bộ trưởng nhấn mạnh chuyến thăm còn mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022).
Bộ trưởng Mélanie Joly khẳng định Canada coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại, nhất trí các biện pháp thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp hai nước; đồng thời, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết tại COP-26.
Hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Canada tiếp tục được củng cố và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD năm 2021, tăng gần 19% so với năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh tiếp tục được tăng cường.
Hai bên trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, sớm nối lại các cơ chế đối thoại song phương; tận dụng tối đa cơ hội từ việc triển khai Hiệp định CPTPP, đề nghị Canada tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa, nông sản Việt Nam cũng như tăng cường hỗ trợ Việt Nam sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Canada sớm công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Canada ổn định cuộc sống, học tập và làm việc.
Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie./.