Để chính sách pháp luật mang hơi thở cuộc sống

Phòng Tư pháp huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Bản Máy. (Ảnh: baohagiang.vn)
Phòng Tư pháp huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Bản Máy. (Ảnh: baohagiang.vn)
(PLVN) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, ngay từ khâu dự thảo, trong 6 tháng đầu năm 2023, việc truyền thông chính sách đã được Bộ Tư pháp triển khai bài bản, kịp thời. Trong số đó có thể kể đến việc truyền thông một số dự thảo Luật quan trọng như: Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi).

Tạo đồng thuận trong việc phân cấp, ủy quyền

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó Trưởng Ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành và một số tỉnh tham gia khảo sát, làm việc với UBND TP Thủ Đức, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức các cuộc họp Tổ biên tập nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để góp ý trực tiếp vào từng nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo, xây dựng hồ sơ Dự án Luật.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại các cuộc họp đó là phân cấp, ủy quyền được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật. Theo đó, ngoài việc thực hiện việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Dự thảo Luật này mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND TP Hà Nội, việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cho phép các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc TP Hà Nội được ủy quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.

Đẩy mạnh số hóa trong đấu giá tài sản

Nhằm khắc phục những tồn tại của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016, sau thời gian thi hành, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả điều chỉnh trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá; trình tự, thủ tục ĐGTS và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá. Ngoài ra, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp. Đáng chú ý là việc sửa đổi Điều 57 về thông báo công khai việc đấu giá theo hướng: Quy định thống nhất việc thông báo công khai việc ĐGTS trên Cổng ĐGTS quốc gia (bỏ quy định thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình như quy định hiện hành).

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật ĐGTS (sửa đổi); tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo tại nhiều tỉnh, thành, khu vực để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về Dự án Luật. Đăng tải Dự án Luật trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân; gửi xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, tổ chức có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Mở rộng hình thức tổ chức văn phòng công chứng

Với Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, đại diện văn phòng công chứng (VPCC) quan tâm là về mô hình tổ chức hành nghề công chứng. Nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng hình thức tổ chức VPCC, trong đó có loại hình doanh nghiệp tư nhân để phù hợp với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc công chứng chưa nhiều, VPCC chỉ cần 01 công chứng viên cũng có thể đáp ứng. Ngoài ra, quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh và tình trạng “mượn danh” đang xảy ra ở một số VPCC như hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ với các nghề bổ trợ tư pháp khác như luật sư, đấu giá tài sản.

Bộ Tư pháp cũng đã đăng tải Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân. Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội Công chứng viên TP, Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng, tổ chức hành nghề công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan nghiên cứu các dự thảo, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị tọa đàm lấy ý kiến đối với Dự án Luật này.

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.