Tại buổi thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chiều 24/5, các đại biểu đã cho rằng đề án tái cơ cấu nền kinh tế chưa cụ thể.
Đại biểu Quốc hội phát biểu trong buổi thảo luận |
Tại buổi thảo luận, hầu hết ý kiến đều đánh giá Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội đã bao quát được các vấn đề lớn, thể hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về những bước đi cụ thể chưa thể hiện rõ trong Đề án.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, đề án đã đề cập được một cách cơ bản các khía cạnh, tuy nhiên lại chưa có vấn đề gì nổi cộm. Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề vô cùng lớn nhưng đề án lại chưa cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, bài toán về đầu tư hiệu quả là phải phát huy được nội lực, dựa trên thế mạnh của đất nước. Nhấn mạnh vai rò của ngành nông nghiệp, đại biểu cho rằng, nếu quan tâm đầu tư nhiều hơn thì nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả rất cao, có thể hơn cả công nghiệp trong thời gian trước mắt.
“Nhiều dự án bỏ hoang bao nhiêu năm, để đất hoang hóa trong khi người dân không có đất để trồng lúa, nhà đầu tư lại sợ lỗ nên không ai làm đã tạo ra sự lãng phí rất lớn”, đại biểu nêu ý kiến.
Các ý kiến của đại biểu đều cho rằng Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế đã thể hiện được một cách tổng thể, chặt chẽ
Về tái cấu trúc tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến nhấn mạnh, muốn tái cơ cấu trước tiên phải minh bạch, để từ đó thu hút được sức mạnh của nhà đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là tư nhân đang nhìn vào đó như một tấm gương.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp, có ý kiến thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, các doanh nhân xứng đáng là người lính cụ Hồ, nhưng nhiều yếu tố khó khăn khiến họ phải “buông súng” và kéo theo là hàng ngàn người mất việc. Vậy lộ trình cụ thể trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Đại biểu Ngô Văn Dụ (đoàn Vĩnh Phúc), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cơ bản tán các điểm của Đề án, và đề nghị, nhân dịp này nên có một cuộc tổng điều tra để đánh giá toàn diện, có cơ sở về những nguồn lực của đất nước. Nước ta đã gia nhập quốc tế sâu rộng nên nhiều chỉ tiêu đánh giá cũng không nên một mình một kiểu.
Đại biểu đặt câu hỏi ví dụ về tài nguyên khoáng sản có tài liệu, số liệu chính thức về trữ lượng, khả năng khai thác… hay chưa? Hay mỗi khi cần thông tin để đề xuất ý kiến, ban hành chính sách, mỗi cơ quan liên quan lại cung cấp thông tin khá khác nhau.
Đại biểu Ngô Văn Dụ cũng cho rằng, tái cơ cấu phải tiệm tiến hướng đến nền kinh tế phát triển theo mô hình chiều sâu. Nhưng ngành nào có khả năng thì nên tiến trước, ngành nào chậm đến sau, không thể cùng lúc chuyển giống nhau được.
Đại biểu Nguyễn Đức Hải (đoàn Quảng Nam) thì nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả, trước hết phải thể hiện ở hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó việc cơ cấu lại nguồn lực có vai trò quan trọng.
Theo đó, ngành nào cần tập trung đầu tư, cơ cấu vùng nào là trọng điểm phải thể hiện rõ để từ đó có cơ chế đặc biệt thúc đẩy đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh. "Có Đề án tổng thể, vậy đề án thành phần cấu thành là những gì? Mối quan hệ và lộ trình thực hiện ra sao? Điều này cần được đề cập cụ thể hơn", đại biểu nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng cần làm rõ sự khác biệt giữa tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu, vì cả hai đều hướng tới cơ cấu hợp lý nhưng biện pháp và bước đi khác nhau.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, Quốc hội phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, việc sửa đổi, ban hành, bổ sung các dự thảo luật phục vụ thế nào cho tái cơ cấu kinh tế?. Hay việc phân bổ ngân sách hàng năm, trái phiếu chính phủ… phải tính đến chi phí cho tái cơ cấu, tránh chuyện bàn thì cứ bàn mà phân bổ lại như cũ, không tương ứng với tái cơ cấu.
Theo VOV