Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm tại TP Hà Nội và Đà Nẵng, là cơ sở thuận lợi cho TP HCM tham khảo kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình thẩm định Đề án.
Làm rõ hơn việc thực hiện Đề án này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường) từ 2009 đến 2016.
Khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: ĐBQH, Đoàn ĐBQH; Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP, cấp ủy, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Theo ông Phong, Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP được ban hành có tác động tích cực đến tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân TP.
Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy chính quyền tại TP tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà vẫn phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Cấp chính quyền địa phương ở TP gồm có HĐND và UBND TP. Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt. Nhân sự của UBND cấp quận, phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường; góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, như: phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố; qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý; nghe người dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư.
Khi không tổ chức HĐND phường, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua khu phố và MTTQ để người dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các trưởng khu phố để kịp thời giải quyết…
Tại hội nghị, đa số các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung Đề án; nhất trí không tổ chức thí điểm mà tiến hành thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, các thành viên đề nghị TP đúc rút kinh nghiệm trong 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để làm nổi bật tính ưu việt của mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức chính quyền đô thị; bổ sung tác động của công nghệ trong việc việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nội vụ đề nghị Vụ Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ UBND TP hoàn thiện Đề án, khẩn trương thực hiện các bước để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.
Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua Đề án này.