Thực tiễn hoạt động công chứng thời gian qua đã đạt được thành tựu bước đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó phải kể đến một số kết quả như: đã có cơ sở dữ liệu công chứng, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và đưa vào sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng, điều này đã giúp cho việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, thông tin ngăn chặn và chia sẻ thông tin trong hoạt động công chứng. TTHC trong hoạt động công chứng cũng đã được thực hiện như cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động công chứng đang phải chịu nhiều tác động, trước hết là vấn nạn của loại tội phạm lừa đảo ở cấp độ tinh vi, phạm vi rộng, sau đó là yêu cầu để hội nhập thì việc ứng dụng CNTT và cải cách TTHC trong hoạt động công chứng đòi hỏi phải nâng lên tầm cao mới.
Vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công văn số 1957/BCA-C02 ngày 10/6/2020 của Bộ Công an về việc triển khai Chỉ thị nêu trên và Công văn số 2859/VPCQCSĐT ngày 21/7/2020 của Bộ Công an về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng công chứng, Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu tài liệu”; có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng nhằm quán triệt đội ngũ công chứng viên tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phát hiện tài liệu, giấy tờ giả, đối tượng giả mạo giấy tờ trong công chứng; nâng cao đạo đức hành nghề cho đội ngũ công chứng viên.
Sở Tư pháp tham mưu UBND cấp tỉnh trong việc hoàn chỉnh xây dựng hoặc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp về cơ sở dữ liệu công chứng và quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng, tăng cường mối quan hệ phối hợp, xây dựng mạng thông tin kết nối, trao đổi thông tin giữa tổ chức hành nghề công chứng với các cơ quan liên quan như Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường…
Còn Nghị quyết số 172/NQ-CP đã đề ra 4 nhóm công việc trong nhiệm vụ, giải pháp về ứng dụng CNTT và cải cách TTHC trong hoạt động công chứng. Theo đó, hoàn chỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, trong đó có việc tiếp tục rà soát phát triển, nâng cấp CNTT trên nền đã có để tương xứng với yêu cầu. Xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các Sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng. Liên thông các thủ tục công chứng đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Chuẩn bị cho việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử.
Nghị quyết cũng xác định UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương là 3 địa phương sẽ thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Mặt khác cũng khuyến khích UBND cấp tỉnh khác thực hiện thí điểm liên thông đối với các thủ tục này.