Hoàn thiện thể chế về THADS
Theo đó, Kế hoạch yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền, phổ biến, kịp thời, đầy đủ các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Hệ thống THADS và Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực THADS.
Cụ thể, tập trung vào một số văn bản như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026; Chương trình hành động số 82-Ctr/BCSĐ ngày 22/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Quy định của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ngay khi được ban hành…
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, tiến hành tổng kết thi hành Luật THADS, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tổng cục THADS tham mưu, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; trên cơ sở đó nghiên cứu, xem xét, đề xuất sửa đổi Luật đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác THADS đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp XHCN Việt Nam đến năm 2030 nhằm phát triển nguồn nhân lực làm công tác THADS, THAHC và công nghệ thông tin đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy trình, quy chế, quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan THADS bảo đảm theo đúng quy định gắn với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS.
Nâng cao kết quả thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế
Đặc biệt, hệ thống THADS cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong đó chú trọng triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại”. Tăng cường công tác kiểm tra việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cơ quan THADS phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương, tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong THADS; kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS.
Cùng với đó thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong THADS để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 03/4/2020 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp, giai đoạn 2020 - 2025 liên quan đến THADS.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xác định kiểm tra có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên; các vụ việc có nhiều đơn thư, nhiều thông tin báo chí phản ánh. Tăng cường công tác hậu kiểm tra; thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định sau kiểm tra phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật.