XHTD trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần
Trình bày báo cáo của UBTP, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực UBTP dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy, số vụ XHTD trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần qua các năm: Năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ (3%); năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giảm 45 vụ (2,8%).
Qua một số vụ việc nổi cộm bức xúc thời gian gần đây UBTP cho rằng, hiện thiếu các văn bản hướng dẫn quy định trong các luật để bảo đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất. “Nhóm nghiên cứu của UBTP đề nghị TANDTC báo cáo việc thực hiện kiến nghị của UBTP về việc hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi, lý do vì sao đến nay chưa ban hành được? Trên thực tế, Tòa án dựa vào văn bản nào để xét xử tội dâm ô”, bà Thủy nói.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện có “khoảng trống” trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi XHTD nói chung và XHTD trẻ em nói riêng dẫn đến áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua như vụ nam công chức ở Triệu Phong (Quảng Trị) dùng vũ lực tấn công tình dục nữ đồng nghiệp; vụ ép hôn trong thang máy ở Thanh Xuân (Hà Nội); vụ thầy giáo chủ nhiệm có hành vi sờ mông, sờ đùi một số học sinh nữ ở Việt Yên (Bắc Giang)… các cơ quan có trách nhiệm xử lý đều có xu hướng áp dụng Điều 5 Nghị định số 167 của Chính phủ để xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Cần minh định pháp luật hơn nữa
Từ góc độ cơ quan tiến hành tố tụng, ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng VKSND Cấp cao ở Đà Nẵng cho biết, hiện nay các cơ quan tố tụng gặp phải nhiều vướng mắc trong thực tế. Đó là, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do hầu hết các vụ án chỉ có lời khai của bị hại trong khi đó nhiều trường hợp là những trẻ em rất nhỏ chỉ 3, 4 tuổi nên việc tố cáo rất chậm, một tháng, hay nhiều năm sau tình cờ mới kể cho cha mẹ hoặc bạn bè, lúc đó mới bắt đầu tố cáo, xác minh.
Trong khi đó nghi can không nhận tội. Các chứng cứ nhận diện sinh học không có, những trường hợp xâm hại các cháu không để lại dấu vết.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự 2015 không quy định được áp dụng điều tra tố tụng đặc biệt với loại tội này, nên các cơ quan tố tụng chỉ tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường. Thứ ba, vướng mắc chậm giải thích pháp luật vấn đề như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi tình dục khác nên các cơ quan tố tụng áp dụng không thống nhất. Có nơi xử, có nơi không xử hoặc áp dụng khác nhau.
Thứ tư, các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đều đặt nặng trách nhiệm bồi thường nhà nước nên mọi người rất thận trọng. “Chính vì thế để không có oan sai thì phải minh định hành vi nào phạm tội, hành vi nào chỉ đáng xử phạt hành chính, còn hành vi nào cần phải khởi tố, bắt giam”, ông Quyền đề nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật trong phòng ngừa XHTD trẻ em; sớm sửa Luật Giám định tư pháp cho phép gia đình người bị hại trực tiếp trưng cầu giám định tình dục ngay sau khi bị xâm hại mà không cần chờ đến cơ quan tư pháp từ chối giám định thì gia đình mới được tiến hành giám định như Luật hiện hành.
Cùng với đó, theo bà Hà, Việt Nam nên học tập các nước như Thái Lan, Hàn Quốc cải cách hành chính có quy trình một cửa về vấn đề XHTD trẻ em. Đưa ra dẫn chứng, bà Hà cho biết, ngày 14/4, một phụ nữ ở quận Tân Bình (TP HCM) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giám định tư pháp: đến công an phường thì nói đến bệnh viện, đến bệnh viện thì nói đến phòng khám trẻ em (BV Nhi đồng), đến BV Nhi đồng thì sau khi nghe nguyên nhân bác sỹ từ chối khám và nói đến Trung tâm Giám định pháp y, sau đó Trung tâm Giám định nói phải đến công an quận… Cuối cùng cán bộ phường, Hội Phụ nữ đến thì được tiến hành giám định lúc 12 giờ đêm.
Do đó, bà Hà đề nghị cần phải tính đến cơ quan đầu mối để hỗ trợ nạn nhân hiệu quả theo chế độ 1 cửa để tiếp đón, hỗ trợ, thu thập thông tin, tư vấn cho nạn nhân bị XHTD, áp dụng quy trình pháp lý đầu tiên để gia đình nạn nhân thuận tiện hơn, vượt qua khủng hoảng.
Theo báo cáo của TANDTC thì từ ngày 1/10/2017 đến ngày 28/2/2019, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.577 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6% số vụ và 89% bị cáo. Tỷ lệ Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung thấp (115/2.437 vụ) chiếm 4,7%.
Không có trường hợp nào Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội. Không có trường hợp nào Tòa án xét xử bị cáo về tội danh khác với tội danh Viện kiểm sát truy tố. Không có trường hợp nào Tòa án yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới tại phiên tòa.