Những bước đột phá
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN...
Kế thừa nội dung này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII hướng đến “xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN…”.
15 năm qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp đã được Quốc hội và các cơ quan chức năng ban hành và liên tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Chỉ tính từ tháng 1/2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người.
Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có nhiều quy định nhằm nội luật hóa những nội dung của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Các cơ chế tố tụng của Bộ luật này cũng được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, quy định này là bước đột phá trong quá trình cải cách tư pháp. Bởi lẽ, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phải được cơ quan chức năng bảo vệ đến cùng, dù những căn cứ pháp lý để giải quyết chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật…
Sự kiện nổi bật nữa đó là năm 2017, Tòa án gia đình và người chưa thành niên được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng đẩy mạnh hoạt động, hướng về nhóm người yếu thế trong xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các Trung tâm này đã tiếp nhận, thực hiện 58.887 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 51.608 lượt người, trong đó có 18.358 vụ việc tham gia tố tụng (tăng 12,7% so với năm 2017).
Làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, Việt Nam cũng tích cực tham gia các Công ước quốc tế nhằm đảm bảo tốt hơn nữa các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ví dụ, từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), Việt Nam đã rất nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình.
Gần đây, trong hai ngày 11 và 12/3/2019, tại Geneva (Thụy Sĩ), Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (Trưởng đoàn tham gia phiên họp) cho biết, những thành tựu cả về lập pháp và tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian qua là yếu tố đảm bảo quan trọng về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.
“Những kết quả đã đạt được cho thấy một niềm tin vững chắc là Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng đạt nhiều thành tựu tốt hơn trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới.”- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, ngày 4/7 vừa qua, cũng tại Geneva (Thụy Sỹ), trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã diễn ra Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, xuất phát từ truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh dựng nước và giữ nước và mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách và hành động.
Thông tin về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh ưu tiên cao nhất của Việt Nam là xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách pháp luật, thể hiện ở nhiều hoạt động được cử tri cả nước và dư luận quốc tế quan tâm tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa XIV vừa qua, cũng như việc ban hành một số Nghị định, Thông tư quan trọng liên quan đến quyền con người trong năm 2019.
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã phát biểu hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương...
Trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế trong thế kỷ 21.