Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 8h ngày 6/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 86,84 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng tương đương tăng 0,17%; giá dầu thô Brent giao ở mức 90,16 USD/thùng, tăng 0,12 USD/thùng tương đương tăng 0,13%.
Theo Reuters, giá dầu tiếp tục tăng cao sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm, khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong đợt cao điểm nhu cầu mùa đông.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 16/11/2022, giá dầu Brent đóng cửa ở mức hơn 90 USD/thùng. Các nhà đầu tư đã kỳ vọng Saudi Arabia và Nga sẽ gia hạn cắt giảm tự nguyện đến tháng 10. Tuy nhiên, cả hai nhà cung ứng dầu hàng đầu thế giới này đã gây sốc khi bất ngờ tuyên bố gia hạn thêm ba tháng, tức là đến hết năm.
Cả Saudi Arabia và Nga cho biết họ sẽ xem xét việc cắt giảm nguồn cung hằng tháng và có thể điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Các nhà phân tích hiện kỳ vọng giá dầu Brent sẽ chinh phục mức đỉnh 95 USD/thùng vào cuối năm.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6/9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.471 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 24.871 đồng/lít; Dầu diesel không quá 22.645 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 22.814 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.704 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 5/9. Cụ thể, giá xăng tăng cao nhất là 270 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất 505 đồng/lít. Đáng chú ý là giá dầu mazut giảm 277 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã tăng lần thứ 6 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.