Dấu hỏi về công tâm với một Thẩm phán TAND tỉnh Hòa Bình

Phán quyết tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã đặt nhiều dấu hỏi về sự công tâm, tuân thủ pháp luật. Trong khi nguyên đơn gần như được “tung hoành” phát biểu tại phiên tòa, thì phía bị đơn và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan lại bị thẩm phán liên tục đặt những câu hỏi “lạ”, gây ức chế…

Phán quyết tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã đặt nhiều dấu hỏi về sự công tâm, tuân thủ pháp luật. Trong khi nguyên đơn gần như được “tung hoành” phát biểu tại phiên tòa, thì phía bị đơn và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan lại bị thẩm phán liên tục đặt những câu hỏi “lạ”, gây ức chế…

Phán quyết của TAND tỉnh Hòa Bình bị cho là “tiếp tay” cho hành vi “cướp”  thương hiệu
Phán quyết của TAND tỉnh Hòa Bình bị cho là “tiếp tay” cho hành vi “cướp” thương hiệu

Những câu hỏi “lạ” của thẩm phán

Ngày 24/2, TAND tỉnh Hòa Bình chính thức đưa vụ án khởi kiện hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH xi măng Xuân Mai và bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT - Bộ Khoa học & Công nghệ). Nội dung khởi kiện, Cty Xuân Mai yêu cầu tòa án buộc Cục SHTT thu hồi quyết định 2470 (quyết định 2470 nhằm hủy bỏ một phần hiệu lực quyết định 82099 đối với phần chữ “Trung Sơn” mà Cục SHTT đã cấp cho Cty Xuân Mai).

Nhiều người tham dự phiên tòa cho biết, ngay từ đầu, đã có dấu hiệu của sự thiếu khách quan trong cách điều khiển phiên tòa của thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trần Hữu Tiến.

Theo đó, trong phần trình bày của mình, đại diện nguyên đơn, Phó giám đốc Công ty TNHH xi măng Xuân Mai Bùi Văn Dương mặc sức đưa ra các căn cứ chứng minh tính pháp lý cho nội dung khởi kiện.

Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Cty Xuân Mai cũng đã vung tay và nói rất to trong phòng xét xử. Bài bào chữa của vị luật sư này đã gây “tò mò” đối với cả người ở ngoài sân trụ sở tòa án. Tuy nhiên, việc làm này của luật sư đã không được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở. Chỉ đến trước giờ nghị án, trong phần ý kiến của mình, đại diện Viện kiểm sát Hòa Bình cho biết lời nói trong phần bào chữa của luật sư có phần… “hơi quá”.

Ngược lại, khi ông Nguyễn Thanh Hồng, đại diện hợp pháp của Cục SHTT lên trình bày nội dung của mình, thẩm phán Tiến đã đặt nhiều “câu hỏi” mang tính bắt bẻ. Trong các dẫn chứng của mình, ông Hồng cho biết việc đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai là dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Lập tức, chủ tọa phiên tòa “cật vấn” ông Hồng rằng “Cục SHTT có thẩm quyền đánh giá hành vi không lành mạnh” không?.

Chủ tọa phiên tòa cũng hỏi ông Hồng “có biết nhiều về Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh” như ngày thành lập, lần đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh?

Đến lượt mình, người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan bên phía Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) cũng bị vị thẩm phán này “lặp lại” câu hỏi như trước đó với Cục SHTT. Thẩm phán yêu cầu người đại diện bên liên quan trả lời “có bao nhiêu tên thương mại trong lĩnh vực mà công ty Bình Minh hoạt động, Công ty Bình Minh có bao nhiêu dự án?!”…

Những câu hỏi này, theo đại diện của Công ty Bình Mình là “không liên quan gì đến nội dung phiên tòa”. Những phần trình bày của vị đại diện của Cty Bình Minh liên quan đến nội dung phiên tòa  hầu như đều bị thẩm phán “cắt”, không cho tiếp tục nói.

Đặc biệt, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tỉnh Hòa Bình đồng ý với quan điểm của Cục SHTT, đề nghị HĐXX bác yêu cầu của Cty Xuân Mai.

Tuy nhiên, sau thời gian nghị án, thẩm phán Trần Hữu Tiến công bố “phần thắng” thuộc về Cty Xuân Mai.

Ngay tại phiên tòa, theo quan sát của phóng viên, đại diện Cục SHTT đã nộp đơn kháng án. Tuy nhiên, thư ký phiên tòa chưa tiếp nhận đơn ngay trong phòng xử.

Căn cứ pháp lý bị bỏ qua

Trước đó, Cty Bình Minh có đơn đề nghị Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực giấy đăng ký nhãn hiệu số 82099 bảo hộ nhãn hiệu “Trung Sơn – xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hòa Bình – Việt Nam, hình” cấp cho Cty Xuân Mai.

Ngay sau đó, Cục SHTT đã ra quyết định số 2470 hủy bỏ một phần hiệu lực quyết định 82099 đối với phần chữ “Trung Sơn”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, phần chữ “Trung Sơn” trong quyết định 82099 trùng với thành phần phân biệt “Trung Sơn” của Cty Bình Minh đã được xác lập từ trước là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Cty Bình Minh trong việc sử dụng tên thương mại “Nhà máy xi măng Trung Sơn”, ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy hoạch phát triên công nghiệp xi măng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Theo đó, căn cứ pháp luật được đại diện Cục SHTT đưa ra tại phiên tòa đối với phần hủy bỏ một phần hiệu lực quyết định 82099, bởi tên dự án “Nhà máy xi măng Trung Sơn” là chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại đã được xác lập trước của Cty Bình Minh. Bởi, dự án này do Cty Bình Minh làm chủ đầu tư tại xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) đã được Thủ tướng, tỉnh Hòa Bình và các bộ chức năng liên quan chấp thuận, phê duyệt và cấp phép theo trình tự, thủ tục đầu tư từ năm 2005.

Tên gọi “Nhà máy xi măng Trung Sơn” được ghi nhận tại Quyết định số 1209 (ngày 13/8/2003) của UBND tỉnh Hòa Bình và nhiều văn bản của các cơ quan chức năng trong hồ sơ dự án. Đây là dự án nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, tên gọi “Nhà máy xi măng Trung Sơn đã được các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chính thức, trong đó “Trung Sơn” là thành phần tạo khả năng phân biệt của tên dự án.

Đại diện Cục SHTT khẳng định, tên gọi “Nhà máy xi măng Trung Sơn” cũng đã được Cty Bình Minh sử dụng trên thực tế, điều này căn cứ trên việc Cty Bình Minh triển khai nhiều hoạt động đầu tư, như chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc triển khai dự án là các bước bắt buộc để hình thành nên Nhà máy xi măng Trung Sơn. Cty Bình Minh đã sử dụng tên dự án “Nhà máy xi măng Trung Sơn” trong việc tiến hành thủ tục đầu tư và sử dụng tên này để xưng danh trong các hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng và tất cả các hoạt động triển khai dự án có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Hồng cho hay, theo Nghị định 54 ngày 3/10/2000 của Chính phủ quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp, thì phần “Trung Sơn” là chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại đã được xác lập trước của Cty Bình Minh.

Cũng tại phiên tòa, đại diện Cục SHTT khẳng định “việc đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai” là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Đồng thời, nhãn hiệu của Cty Xuân Mai theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099 “không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ”.

Tất nhiên, những lập luận có căn cứ pháp lý của đại diện Cục SHTT đã bị thẩm phán Tiến bỏ qua, và kết quả ban đầu là “bàn thắng” được tuyên dành cho  Cty Xuân Mai.

Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến mới…

Nhóm phóng viên

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.