“Vùng đất lớn an bình và một Việt Nam thu nhỏ”
Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Đặc trưng đó là nền Văn hóa Soi Nhụ, làm cơ sở để sau đó hình thành các loại hình văn hóa tiến bộ mới tại Cái Bèo, tiếp theo nền Văn hóa Hạ Long nổi tiếng.
Thời Hùng Vương vùng đất Quảng Ninh là trung tâm của Bộ Ninh Hải, Lục Hải - một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển. Trong suốt mười thế kỷ ấy, đất Hải Đông đã ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chứng kiến những công cuộc phát triển kinh tế phồn vinh nhất dưới thời phong kiến. Đặc biệt với thương cảng Vân Đồn lịch sử mang tầm vóc khu vực và liên khu vực vào thời đại Lý - Trần, khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Với Yên Tử linh thiêng, kỳ vỹ, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất, thâm trầm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. Tổ tiên nhà Trần, vào cuối đời Lý đã đến ở vùng An Sinh (thuộc Đông Triều) làm nghề đánh cá. Nhà Trần tuy phát tích ở đất Thiên Trường (Nam Định) song vẫn nhớ về quê gốc Đông Triều nên lăng mộ các vua Trần đều được di dời về đây.
Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành vùng mỏ anh hùng bất khuất, là cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân. Ngày 22/2/1955, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước, khu Hồng Quảng gồm đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên được thành lập.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc.
Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước, được xem là Việt Nam thu nhỏ. Hiện Quảng Ninh có 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, đền Cửa Ông - Cặp Tiên và Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, 54 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khổng lồ trải dài theo thời gian và không gian với tổng số 541 di sản văn hóa vật thể, hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa, 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Văn hóa, lịch sử lâu đời và độc đáo của Quảng Ninh trở thành nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và hun đúc lên “bản sắc văn hóa” con người Quảng Ninh. Yếu tố này tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn, nổi trội với du khách và cần được khai thác, phát huy tối đa trong giai đoạn tới.
Tín ngưỡng phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân, với nước, các vị thành hoàng, các vị thần (sơn thần, thủy thần), thờ các mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải).
Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc Việt Nam; Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên: Rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ... đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận “Di sản thiên nhiên thế giới” về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Tỉnh duy nhất có 04 thành phố trực thuộc tỉnh (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả) và 02 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều); có 03/28 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh).
Tỉnh tập trung đông nhất công nhân mỏ có thu nhập cao là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa.
Là tỉnh hoàn thành sớm nhất đề án cải cách hành chính của Chính phủ, hiện đang triển khai thực hiện Chính phủ điện tử để đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính.
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất ở nước ta vừa có đường biên giới trên bộ vừa trên biển với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quảng Ninh có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại; với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; Quảng Ninh nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore...
Con người hào sảng, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Đường cao tốc Móng Cái nối hành lang kinh tế phía Đông trong mục tiêu Giao thông đi trước một bước của người Quảng Ninh. |
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Con người Quảng Ninh với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua nhiều thế hệ là “sức mạnh mềm” cho sự phát triển.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các giai đoạn lịch sử, Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, mang đến sự kết hợp đa dạng văn hóa. Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, ước mong cuộc sống bình yên, sống đoàn kết, thương yêu, trọng nghĩa tình. Người Quảng Ninh kính trọng, thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Hàng chục năm qua, việc duy trì nghi lễ truyền thống mừng và rước cụ Thượng hằng năm ở khu vực Hà Nam (thị xã Quảng Yên) là minh chứng sinh động.
Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, thường bị thiên nhiên đe dọa, giặc giã thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh có đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí, sáng tạo.
Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ. Con người Quảng Ninh có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hóa công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm. Tính cách con người Quảng Ninh chia thành 5 tiểu vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị; người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp; người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TU, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”... Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật lành mạnh, tích cực; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện, góp phần xây dựng và hoàn thiện phẩm chất con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 30/11/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với 4 chương, 23 điều, Quy tắc ứng xử gồm hai phần chính: Quy tắc ứng xử chung; những quy tắc ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú và tại một số nơi công cộng cụ thể. Trong đó, Quy tắc ứng xử chung (gọi tắt là “Quy tắc 5T”) gồm: Thượng tôn pháp luật; Tôn trọng bản thân và người khác; Tôn trọng và bảo vệ môi trường; Thân thiện, văn minh, hào sảng; Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Hiện nay, Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, để thực hiện mục tiêu đã đề ra: đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000 USD.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025).