Đạo luật đặc biệt giải quyết 'di sản hạt nhân'

Mái vòm Runit còn được gọi “quan tài hạt nhân” .
Mái vòm Runit còn được gọi “quan tài hạt nhân” .
(PLVN) - Được mệnh danh là “quan tài hạt nhân”, khu vực tập kết rác thải hạt nhân trên đảo Runit thuộc quần đảo Marshall là nơi chôn vùi các mảnh vỡ phóng xạ phát sinh trong các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khu vực này hiện đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, có thể rò rỉ chất thải nhiễm xạ.

“Quan tài hạt nhân” khổng lồ

Cộng hòa quần đảo Marshall là quốc gia rộng lớn gồm 1.200 hòn đảo nhỏ. Theo một số thống kê, riêng hòn đảo Runit nằm trong nhóm 40 đảo thuộc đảo san hô vòng Enewetak từng là nơi Mỹ tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có bom khinh khí “Bravo” năm 1954. Đây là loại bom mạnh nhất Mỹ từng kích hoạt, có sức công phá gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy được từ thành phố Okinawa cách xa hơn 4.200 km. Bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân sau đó đã được phát hiện trên gia súc ở Tennessee (Mỹ).

Do ảnh hưởng từ chương trình thử nghiệm hạt nhân của Mỹ, một số hòn đảo tại đây từng được coi là nơi ô nhiễm nhất trên Trái Đất. Không có báo cáo về số nạn nhân trực tiếp của các vụ nổ, nhưng các dữ liệu thu thập được cho thấy nhiều người đã chịu các di chứng và bệnh tật nghiêm trọng. Nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác. 

Hàng ngàn người bị nhiễm bụi phóng xạ. Trên một số đảo có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hoặc gặp phải những bất thường về tuyến giáp. Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ của nguyên nhân gây bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh cao trong dân số Marshall hiện nay với các vụ thử nghiệm hạt nhân trong quá khứ. Báo cáo năm 2004 của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho hay vẫn còn nhiều cộng đồng cư dân trên đảo từ năm 1948-1970 chưa được chẩn đoán bệnh ung thư liên quan đến phóng xạ. 

Cuối những năm 1970, Mỹ cho xây dựng trên đảo Runit một vòm bê tông dày 45 cm phủ trên một miệng hố khổng lồ có chiều rộng hơn 100m, thể tích 83.000 m3, tức bằng 35 bể bơi cỡ Olympic. Đây chính là công trình được gọi là “Quan tài hạt nhân” hay còn có tên gọi Runit Dome, nơi tập kết rác thải từ các vụ thử hạt nhân. Đất và các mảnh vụn nhiễm phóng xạ sau nhiều thử nghiệm tại sáu hòn đảo khác nhau trong nhóm đảo san hô Enewetak được thu gom về và đổ xuống miệng hố này, được trộn lẫn với bê tông rồi đưa xuống nằm trọn dưới mái vòm bê tông. 

Các báo cáo cho hay, Mỹ đã phải huy động hơn 8.000 người, trong đó có 4.000 binh sỹ của nước này, làm việc trong suốt ba năm để dọn dẹp quần đảo ở Thái Bình Dương. Trong số rác thải được chôn ở đây cũng có cả plutonium. 

Đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của hạt nhân với sinh vật tại Marshall.
 Đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của hạt nhân với sinh vật tại Marshall.

Hiểm họa với người dân Marshall

Mái vòm Runit Dome có kích thước lớn đến mức có thể dễ dàng nhìn thấy trong Google Maps. Tuy nhiên, công trình trên khi xây dựng chỉ được xem như giải pháp tạm thời và đáy hố không được trát cẩn thận. 

Những năm gần đây, quần đảo Marshall tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý, bởi nơi này được cho là đang phải gánh “mối đe dọa kép” nguy hiểm hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Cùng lúc, quần đảo này vừa phải đương đầu với hai nguy cơ lớn là rò rỉ phóng xạ; vừa phải đối mặt với những hậu quả tiềm ẩn của tình trạng biến đổi khí hậu. 

Trong khi đó, trên lớp bê tông dày 45cm của mái vòm được xác định đã xuất hiện các vết nứt. Các chuyên gia lo ngại nắp hầm có thể vỡ vụn nếu xảy ra một trận bão lớn. Không chỉ vậy, mực nước biển dâng cao cũng đe dọa đánh sập công trình mái vòm chứa chất thải phóng xạ, từ đó chất thải phóng xạ thấm qua “quan tài bê tông” hoặc rò rỉ bùn nguyên tử độc hại vào Thái Bình Dương.

Trên thực tế, năm 1982, một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Mỹ đã bày tỏ lo ngại về khả năng rò rỉ phóng xạ nếu hòn đảo hứng chịu một cơn bão lớn. Năm 2013, một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã phát hiện ra mái vòm bê tông đã bị phong hóa với vết nứt nhỏ trên bề mặt. Tháng 3/2019, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo giới chức trách cần quan tâm việc xử lý chất thải phóng xạ sắp rò rỉ tại đây. 

Góp phần vào những tiếng nói báo động là một nghiên cứu được một nhóm các nhà khoa học Đại học Columbia công bố hồi năm ngoái, theo đó cho thấy mức độ phóng xạ ở một số điểm tại Enewetak và các khu vực khác của Quần đảo Marshall ở mức tương đương với khu vực gần Chernobyl và Fukushima. 

Tại một hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu pháp luật Michael Gerrard thuộc Đại học luật Columbia (Mỹ) cho rằng giới chức Washington hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở khu vực. Ông này cũng cho rằng người dân Marshall đang đứng trước nguy cơ mất cả mảnh đất quê nhà lẫn cuộc sống bình yên của họ nếu không có biện pháp xử lý sớm. 

Giải pháp tình thế 

Ngay sau khi các vụ thử nghiệm bom hạt nhân ở Marshall chấm dứt từ sau năm 1958, đã có hàng loạt cuộc chiến pháp lý nổ ra giữa chính quyền địa phương với giới chức Mỹ. Hai bên đưa ra các lý lẽ khác nhau cũng như những giải pháp nửa chừng hoặc tranh cãi vòng vo quanh việc bên nào sẽ phải “dọn dẹp” tàn dư của các vụ nổ hạt nhân. Trong một thời gian dài, hai hòn đảo thuộc Marshalls là đảo san hô Bikini và đảo Rongelap từng được tái định cư, sau đó người dân lại phải sơ tán lại vì ô nhiễm kéo dài. 

Năm 1980, khu mái vòm bê tông chứa rác thải hạt nhân được hoàn thành như một giải pháp tình thế để tập kết chất thải phóng xạ. Theo một thỏa thuận vào năm 1986, Mỹ đã thanh toán cho quần đảo Marshall một khoản tiền 150 triệu USD, bao gồm các quỹ tín dụng cho các đảo san hô nơi tiến hành thử nghiệm. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn còn gia hạn hợp đồng “thuê” các hòn đảo thử nghiệm. Số tiền thuê trị giá 15 triệu USD mỗi năm chỉ đủ chi trả các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực phẩm... cho một nhóm nhỏ các gia đình người Marshall trong khu vực bị ảnh hưởng nên không thể dùng cho các mục đích khắc phục khác như sửa chữa mái vòm bê tông. Các khoản tài trợ này cũng đang giảm dần hàng năm cho đến khi hết hạn vào năm 2023. 

Năm 2001, một tòa trọng tài được Mỹ và Quần đảo Marshall thành lập năm 1988 ra phán quyết yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho người dân Marshall 2,3 tỷ USD thiệt hại về sức khỏe và tài sản. Tuy nhiên, Quốc hội và các tòa án ở Mỹ đã từ chối phán quyết này. Một số tài liệu cho hay, Mỹ sau đó chỉ trả 4 triệu USD. 

Theo Đại sứ Mỹ tại Quần đảo Marshall Karen Stewart, quan điểm của Mỹ là nước này đã trả hơn 600 triệu USD cho việc tái định cư, phục hồi và chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến bức xạ của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các vụ thử hạt nhân ở Marshall. Đại sứ Mỹ cho rằng, lạm phát khiến con số trên phải tương đương gần 1 tỉ USD hiện nay. 

“Mỹ đã nhận ra những ảnh hưởng của các thử nghiệm, đã chấp nhận và hành động một cách trách nhiệm đối với người dân Quần đảo Marshall”, vị đại sứ này nói. Do không có cơ chế nào buộc Mỹ phải trả khoản tiền theo phán quyết của tòa trọng tài nên bài toán xử lý mái vòm vẫn còn bỏ ngỏ.

Quân Mỹ thử nghiệm một vũ khí tại quần đảo Marshall.
Quân Mỹ thử nghiệm một vũ khí tại quần đảo Marshall.

Bước tiến mới

Cuối năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng vốn được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó, trong đó có các quy định yêu cầu Bộ Năng lượng (DOE) Mỹ trong vòng sáu tháng kể từ khi luật có hiệu lực phải cung cấp báo cáo tình trạng mái vòm này. 

Theo quy định, báo cáo này phải bao gồm các đánh giá về tình trạng hiện tại của các cấu trúc bên ngoài của mái vòm; tình hình an toàn hiện tại và lâu dài cho người dân địa phương do địa điểm này gây ra; những tác động có thể có của việc mực nước biển dâng cao đến mái vòm. DOE cũng được yêu cầu phải cung cấp những thông tin về tác động của mái vòm tới môi trường và các ảnh hưởng dự kiến trong 5, 10 và 20 năm.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020 cũng chỉ đạo DOE điều tra tình trạng của Runit Dome ở quần đảo Marshall và những nguy cơ tiềm năng gây ra rò rỉ. DOE cũng được yêu cầu phải đưa ra “một kế hoạch chi tiết để sửa chữa mái vòm nhằm bảo đảm rằng nó không có bất kỳ tác động có hại nào đối với người dân địa phương, môi trường hoặc động vật hoang dã”, bao gồm cả chi phí dự kiến để thực hiện kế hoạch đó.

Đại sứ Quần đảo Marshall tại Mỹ Gerald M. Zackios đã lên tiếng hoan nghênh đạo luật của Mỹ, cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật này là một bước tiến trong những nỗ lực liên tục của Quần đảo Marshall nhằm giải quyết di sản hạt nhân vốn là một nguồn đau khổ cho người dân của nước này. Vị đại sứ bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận báo cáo của Mỹ để Quần đảo Marshall trên cơ sở đó có thể đánh giá lại con đường phát triển tới đây của họ.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.