Hoạt động du lịch chưa xứng với tiềm năng
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh từ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, di tích… Trong đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã (QGBM) có thể được xem là “nàng công chúa ngủ quên”, với nhiều tiềm năng và thế mạnh chưa được đánh thức.
Theo quy mô phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã khoảng 387,8 ha, bao gồm 2 khu. Khu A được thiết kế là khu vực trạm cơ sở và hạ tầng giao thông có diện tích khoảng 97,8ha, bao gồm 3 phân khu: Tuyến giao thông tiếp cận đến dự án, có điểm đầu tuyến từ ngã ba giao cắt quốc lộ 1A đến điểm cuối tuyến là trạm cơ sở khu vực Khe Su; trạm cơ sở khu vực Khe Su với diện tích nghiên cứu khoảng 64,1ha, là nơi đón tiếp khách du lịch và nơi đặt nhà ga cáp treo; tuyến cáp treo du lịch đi từ trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài dự kiến 4km với hành lang bảo vệ khoảng 26m.
Khu B chính là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 290ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...); các không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến tham quan, tuyến hành hương, lễ hội…); hành chính, điều hành (nhà điều hành, nhà nhân viên...) và chức năng phụ trợ kỹ thuật (trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải). Phân khu chức năng khu B bao gồm: khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bạch Mã trước đây là một khu du lịch của Pháp nhưng chiến tranh đã làm hoang phế. Dù đã đầu tư nhưng hoạt động du lịch tại Bạch Mã còn nghèo nàn, chưa tương xứng tiềm năng.
Từ lâu người dân Thừa Thiên Huế đã có một giấc mơ là phục hồi vị thế du lịch Bạch Mã, tạo dựng vị thế du lịch Thừa Thiên Huế. Với quan điểm bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, hy vọng các chuyên gia, kiến trúc sư sẽ góp ý vào bản quy hoạch phân khu du lịch Bạch Mã cho phù hợp.
Quy hoạch cần gắn liền với việc bảo vệ các giá trị tài nguyên
Sau khi xem xét về quy hoạch phân khu Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, đã có nhiều ý kiến, góp ý từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu ở Huế về bản quy hoạch này. Nhiều chuyên gia đồng tình với phương án xây dựng cáp treo tại khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp cáp treo tại Bạch Mã là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao. Tuy nhiên, theo ông Chính, mật độ phân bố các công trình xây dựng trên đỉnh núi như trong bản quy hoạch là quá dày.
Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng nên điều tiết quy mô dịch vụ tại đây xuống vùng đệm để tạo sinh kế cho người dân, bên cạnh đó cũng hạn chế giao cắt trên đỉnh Bạch Mã. “Tuyến cáp treo số 2 từ đỉnh Bạch Mã xuống thác Ngũ Hồ không cần thiết nên thay thế một phương tiện khác phù hợp hơn”- bà Ngân nói.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều chung quan điểm, phát triển Khu du lịch sinh thái Bạch Mã phải đảm bảo hạn chế tác động đến hệ thống cảnh quan, môi trường. Quy hoạch này chỉ có mang tính định hướng chứ không hạn chế sự sáng tạo của nhà đầu tư. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, du lịch sinh thái rất kén khách, vì vậy quy hoạch khu sinh thái nhất là Vườn QGBM cần chú ý đến yếu tố này để đảm bảo, bảo tồn được các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học và môi trường.
Việc quy hoạch xây dựng các công trình cáp treo hay khu vui chơi giải trí nhân tạo và mang lại tiếng ồn trong khu sinh thái là điều cần tránh, không phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường cảnh quan. Ngoài ra, các nhà quy hoạch cần cân nhắc đến việc quy hoạch đầu tư phát triển du lịch tâm linh tại Vườn QGBM.