Chặng đường gian lao
Một ngày cuối năm 1940, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (nơi Pháp dùng để giam giữ các chiến sĩ cộng sản). Sự ra đời của tổ chức Đảng địa phương là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng, đây được coi là hạt giống đỏ, gieo mầm cách mạng trên mảnh đất cao nguyên. Từ đó, mở đầu cho hàng loạt cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đầu năm 1960, để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng ở các địa bàn phía Nam tỉnh Đắk Lắk, Liên khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk thành 4 đơn vị: B3, B4, B5, B6, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh 4 và Liên khu ủy V. Khu ủy tăng cường nhiều cán bộ lãnh đạo và lực lượng cho các đơn vị.
Tháng 8/1960, được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tỉnh Đắk Lắk triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (Hội nghị đại biểu được cấp trên chuẩn y như Đại hội) tại vùng căn cứ Cư Jú-Dliêya (phía Bắc của tỉnh). Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong những năm đầu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, củng cố thêm lòng tin của cán bộ, đảng viên.
Từ những hạt nhân đầu tiên, đến nay Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 80 ngàn đảng viên, tổ chức thành công 16 kỳ Đại hội. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định phương hướng trong 5 năm 2010-2015: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự - an toàn xã hội. Xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên và đóng vai trò quan trọng đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước”.
Đột phá, xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, dịch vụ tăng nhanh, quy mô được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,75%/năm, quy mô nền kinh tế tăng cao (gấp 1,52 lần so với năm 2015). Các lĩnh vực GD&ĐT, KH&CN, VH-XH được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả cao. Quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Đặc biệt, hoạt động Tuyên giáo được lãnh đạo, triển khai khá toàn diện, đồng bộ và có bước đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả khá toàn diện. Công tác dân vận từng bước được nâng cao, hiệu quả.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đề ra phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 70,69 triệu đồng; tổng giá trị xuất khẩu đạt 3.520 triệu USD, bình quân đạt 704 triệu USD/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 12.500 tỷ đồng, trong 5 năm đạt 53.000 tỷ đồng (tăng bình quân 8%/năm); phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5 - 2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3 - 4%. Hằng năm, tổ chức cơ sở đảng đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ từ 15 - 20%…
Dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; Chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ ở đa lĩnh vực; Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, cơ khí, phần mềm…; Giữ gìn, phát huy, xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội; Phát huy sức mạnh tổng hợp của các dân tộc và cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra ba khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Và quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI đã chuẩn bị đề án nhân sự trình Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh khóa mới công phu, đúng quy định.
Theo đó, tỉnh dự kiến giới thiệu 59 nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bầu 53 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới (trong đó nhân sự giới thiệu tái cử là 41 đồng chí và 18 đồng chí giới thiệu tham gia lần đầu). Nhân sự Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 17 đồng chí để bầu 15 đồng chí; Nhân sự Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa mới là 13 đồng chí để bầu 11 đồng chí.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII luôn tin tưởng, với tinh thần đồng tâm nhất trí, với ý chí cách mạng kiên cường, toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đắk Lắk sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 -15/10. Trong đó, ngày 13 sẽ diễn ra phiên trù bị, sáng 14 chính thức khai mạc đại hội.