Và để giảm thuế, người cụ còn làm giả hợp đồng tặng cho cháu gái khối tài sản. Đến khi “cơm lạnh, canh nguội”, vợ chồng kiện nhau ra tòa vì tranh chấp ngôi biệt thự trên, ông chồng đại gia suýt trắng tay vì người vợ một mực khẳng định ngôi biệt thực là tài sản riêng do được tặng cho riêng và đứng tên riêng.
Từ vụ án này cũng đặt ra vấn đề pháp lý: với những tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, trường hợp nào được xác định là tài sản chung vợ chồng?
Tình dứt, vẫn vướng mắc về tài sản
Ông Nguyễn Đức An (Việt kiều Đức) và bà Lã Thị Bích Lê kết hôn vào năm 1979 tại TP HCM trên cơ sở tình yêu tự nguyện. Năm 1984, vợ chồng ông có mua một ngôi biệt thự tại quận 5 TP HCM của cụ ruột bà Lê. Do thời điểm này ông An không có hộ khẩu tại TP HCM nên không thể đứng tên đồng chủ sở hữu; hơn nữa nhằm “lách luật” để được giảm thuế nên vợ chồng ông lập hợp đồng giả có nội dung người cụ tặng toàn bộ ngôi nhà cho bà Lê là cháu gái ruột của mình.
Sau đó, ngôi nhà được chuyển quyền sở hữu cho bà Lê. Ít lâu sau, ông An làm thủ tục để hai vợ chồng sang định cư ở Đức. Do mâu thuẫn vợ chồng, hai người đã làm thủ tục ly hôn vào năm 2006 tại Đức.
Sau đó ông An về Việt Nam khởi kiện chia tài sản chung là căn biệt thự tại quận 5 được mua vào năm 1984. Tuy nhiên, rắc rối là ở chỗ chủ sở hữu ngôi nhà này hiện đứng tên riêng bà Lê, giấy tờ nhà đất thể hiện ngôi nhà này do người cụ ruột tặng riêng cho bà Lê. Mặc dù ông An trình bày rất rõ nguyên nhân là do thời điểm đó ông không có hộ khẩu tại TP HCM và nhằm giảm thuế nên hai người đã giả tạo làm hợp đồng tặng cho ngôi nhà chứ bản chất sự việc là mua bán Bà Lê thì bác bỏ hoàn toàn lời khai của chồng cũ và khẳng định ngôi nhà là của cụ ruột tặng cho riêng bà, vậy nên đây là tài sản riêng của bà.
Tại Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã xác định ngôi nhà trên là tài sản chung của hai vợ chồng ông An và bà Lê căn cứ vào “Văn tự nhượng và thụ nhượng nhà” năm 1992. Văn tự này có nội dung bà Lê ủy quyền cho bà Cao Thị Thanh quản lý nhà để bà Lê xuất cảnh sang Đức do ông An bảo lãnh) có ghi tên ông An là đồng chủ sở hữu nhà.
Bà Lê kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng ngôi nhà là tài sản riêng của bà, không liên quan gì đến ông An. Tại Bản án phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM đã sửa án sơ thẩm, xác định ngôi nhà trên không phải là tài sản chung vợ chồng của ông An và bà Lê vì cho rằng văn tự nhượng nhà năm 1992 chỉ ghi theo mẫu, chưa đủ cơ sở công nhận sở hữu chung. Vậy nên ngôi nhà là tài sản riêng của bà Lê, do một mình bà Lê thụ hưởng.
Phải căn cứ vào Luật có hiệu lực ở thời điểm tạo lập tài sản
Sau đó, bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên họp giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định hủy bản án phúc thẩm, giao xét xử phúc thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm nhận định rằng, thời điểm khởi kiện chia tài sản chung là thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2000.
Theo quy định tại Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 thì tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng. Tuy nhiên, việc bà Lê được tặng cho nhà được thực hiện hoàn thành từ năm 1984, là thời điểm thi hành Luật HN&GĐ năm 1959. Theo quy định tại Điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 thì: “Vợ, chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”.
Thời điểm cho nhà cũng nằm trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của ông An và bà Lê. Do đó, ngôi nhà đã trở thành tài sản chung của ông An và bà Lê theo pháp luật mà không cần có việc đưa nhập vào tài sản chung như quy định của Luật HN&GĐ sau này.
Do xác định ngôi nhà là tài sản chung vợ chồng nên nay đã ly hôn, yêu cầu xin chia tài sản chung của ông An là có căn cứ. Việc chia tài sản chung vợ chồng là chia theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 (Luật có hiệu lực ở thời điểm chia) mặc dù việc xác định tính chất pháp lý của tài sản được áp dụng theo Luật HN&GĐ năm 1959 (Luật có hiệu lực ở thời điểm tạo lập tài sản).
Tóm lại, muốn xác định tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng phải căn cứ vào Luật có hiệu lực ở thời điểm tạo lập tài sản. Trong vụ kiện dân sự trên, ngôi nhà đã được xác định là tài sản chung vợ chồng và không có sự kiện thay đổi sở hữu nên các quy định về các trường hợp hình thành tài sản riêng theo Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 không có hiệu lực hồi tố đối với các tài sản đã là tài sản chung từ trước các luật này có hiệu lực.
“Không phải cứ là tài sản có trước khi kết hôn thì là tài sản riêng, cũng không phải cứ đưa vào sử dụng chung nhiều năm thì trở thành tài sản chung. Xác định tài sản là tài sản riêng hay tài sản chung còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật ở thời điểm tạo lập tài sản, thời điểm kết hôn vào những sự kiện pháp lý làm thay đổi chế độ sở hữu tài sản.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều Luật HN&GĐ và các luật này có nội dung quy định khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng. Cụ thể: Luật HN&GĐ năm 1959 (có hiệu lực thi hành từ 15/01/1960 đến 02/01/1987 trên lãnh thổ miền Bắc; từ 25/3/1977 đến 02/01/1987 trên lãnh thổ miền Nam), quy định vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Vì vậy, các quan hệ hôn nhân xác lập trong thời kỳ thi hành Luật HN&GĐ năm 1959 nêu trên thì tài sản có trước khi cưới trở thành tài sản chung của vợ chồng kể từ thời điểm kết hôn. Thực tiễn áp dụng pháp luật xác định những tài sản đã trở thành tài sản chung như trên sẽ vẫn là tài sản chung nếu vợ chồng không làm thủ tục phân chia thành tài sản riêng theo quy định của Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000.
Luật HN&GĐ năm 1986 (có hiệu lực từ 03/01/1987 đến 31/12/2000), Luật HN&GĐ năm 2000 (có hiệu lực từ 01/01/2001) và Luật HN&GĐ năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) đều có quy định tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng. Việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung phải theo đúng thủ tục quy định của pháp luật quy định về việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung. Cụ thể: “Việc lập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng” và “Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.
Thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn xác định nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng, sử dụng đất đó làm nhà của vợ chồng, nếu không có chứng cứ đã thỏa thuận chuyển thành tài sản chung như có văn bản hay đã sang tên chung thì khi chia tài sản khi ly hôn vẫn xác định nhà là của chung nhưng đất vẫn là tài sản riêng.
(Theo hướng dẫn nghiệp vụ xét xử của TANDTC)