Chiều 23/7, thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, chúng ta có chủ trương tạo điều kiện cho người nghèo đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, cải thiện cuộc sống rất tốt; có những xã, riêng tiền con em gửi về đã được 400 tỷ đồng.
Nhưng, việc xuất khẩu lao động cũng để lại nhiều hệ lụy như ly hôn, tệ nạn xã hội… Triển khai Chương trình, phải quan tâm đến khía cạnh này.
Đại biểu Trần Đình Gia. |
Có đại biểu thì lưu ý, Chương trình giảm nghèo nên chăng hướng tới đối tượng mới thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo… Thực tế cho thấy có những hộ không thể thoát được nghèo, do về khuyết tật, năng lực lao động… nếu cứ để mãi trong Chương trình này thì khó, cần phải chuyển đối tượng sang các chương trình khác. Ví dụ gia đình neo đơn, già yếu, có hỗ trợ thế nào cũng không thoát nghèo được.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội (QH), Chính phủ đề ra.
Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm. Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội của QH cho rằng, Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, cơ quan thẩm tra thống nhất với dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Cùng với đó, bảo đảm tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách Trung ương trong năm 2021 cho Chương trình là 7.000 tỷ đồng để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện Chương trình; cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn...