Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Gia Lai cho rằng, chính sách bán nhà cho người đang thuê hiện còn bất cập, chỉ quy định việc bán nhà cho người đang thuê, không phân biệt đối với trường hợp hộ đang thuê nhà của Nhà nước đã có nhà ở, đất ở và các hộ chưa có nhà ở, đất ở riêng.
Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách riêng đối với bán nhà cho các hộ đã có đất ở, có nhà ở.
Mặt khác, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở, đất ở cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị (giao đất không thông qua hình thức đấu giá, hỗ trợ về tài chính...), chính sách nhà ở xã hội chưa đề cập tới đối tượng là công nhân làm nông nghiệp ở các nông, lâm trường.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri như sau:
Trước năm 1992, Nhà nước thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước, theo đó nhà ở được phân phối theo đối tượng và số người trong hộ gia đình.
Về nguyên tắc, mỗi người chỉ được phân phối một chỗ ở, người được phân phối nhà ở phải là những người chưa có nhà ở hoặc đang ở trong điều kiện chật chội, tồi tàn, kém an toàn. Trong đó, ưu tiêu bố trí nhà ở cho người có công với cách mạng.
Năm 1992, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về nhà ở, trong đó đã xóa bỏ chính sách bao cấp về nhà ở nêu trên nhằm bảo đảm sự công bằng.
Ngày 5/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, thực hiện việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê. Người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được mua nhà ở hình thành từ trước năm 1992, hầu hết đã xuống cấp do tiền thu từ thuê nhà ở không đủ duy tu, sửa chữa, người thuê cũng không sửa chữa nhà ở. Thực tế cho thấy, người mua chủ yếu là đối tượng cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đang có khó khăn về nhà ở, nhiều hộ gia đình đã sinh sống qua nhiều thế hệ, không có điều kiện tự tạo lập chỗ ở mới.
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014 đã được ban hành, trong đó đã có những quy định cụ thể về chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có thu nhập thấp (trong đó đã bao gồm cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; người lao động, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, kể cả công nhân làm việc ở các nông, lâm trường), có khó khăn về nhà ở được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư hoặc do các doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Pháp luật về nhà ở cũng đã quy định cụ thể về đối tượng và nơi cư trú, điều kiện thu nhập, điều kiện khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc đất ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì phải có diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 10m2sàn/người); trường hợp đã có đất ở, hoặc nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát, xuống cấp thì được vay vốn với lãi suất thấp ưu đãi từ các ngân hàng để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở của mình.
Pháp luật về nhà ở hiện hành không có quy định giao đất không thông qua hình thức đấu giá cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để cải thiện nhà ở. Trường hợp các đối tượng này thuộc diện có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở thì được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư hoặc do các doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất thấp ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Gia Lai về việc bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở, đất ở cho các cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị (giao đất không thông qua đấu giá, hỗ trợ về tài chính...) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định./.