Không có nỗi đau nào lớn bằng việc chứng kiến người thân của mình phải lìa xa cõi trần để về bên kia thế giới. Và sự đau đớn ấy nhân lên gấp bội khi nơi “yên nghỉ” của người thân bị đào xới. Dù đã về “miền cực lạc” nhưng linh hồn họ vẫn không được thanh thản bởi dã tâm của những kẻ xâm hại...
Hiện trường xảy ra vụ án 21 ngôi mộ |
Giám đốc “hô biến” 21 ngôi mộ
Ngày 9/8/2011, TAND huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã đưa ra xét xử Sơ thẩm vụ án Xâm phạm trái phép mồ mả, hài cốt, đã gây ra nhiều bức xúc trong thời gian qua tại địa phương. Trước đó, phiên tòa đã bị tạm hoãn vì bị cáo Nguyễn Chí Đông (SN 1972, ở xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ), Giám đốc công ty TNHH Đông Tâm, đã cố tình trốn tránh không đến tòa theo giấy triệu tập của HĐXX.
Theo cáo trạng: Tháng 6/2010, UBND xã Mỹ Phong quy hoạch khu vực Gò mả xứ Bàu Dưng thuộc thôn Vĩnh Bình cho Công ty Đông Tâm thuê để mở cây xăng. Trên khu đất này có 22 cây dừa của HTX nông nghiệp II Mỹ Phong; 18 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn, 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ và 1 ngôi mộ của dòng họ Phan.
Sau khi được UBND xã Mỹ Phong đồng ý cho thuê đất và làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đông tiến hành thương lượng đền bù 22 cây dừa; đền bù và di dời 18 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn. Riêng 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ thì Đông trực tiếp gặp một số người có trách nhiệm trong dòng họ Đỗ để thương lượng đền bù và di dời.
Qua tác động của Đỗ Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Thân (mẹ Dung) cùng các ông Đỗ Xuân Tiết, Đỗ Xuân Què (hai anh trai Dung) thống nhất cho di dời mồ mả. Mỗi người đồng ý nhận của Đông 10 triệu đồng tiền bồi thường. Riêng hai ông Đỗ Xuân Thống và Đỗ Thiện Nghĩa kiên quyết không đồng ý. Do mẹ và hai anh trai của Dung đã nhận tiền mà không di dời mồ mả nên Đông nhiều lần thúc ép. Cuối cùng, Dung cũng đồng ý để Đông đào và di dời 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ. Đông và Dung soạn thảo một bản hợp đồng thuê mướn người di dời. Điều lạ là, bản hợp đồng chỉ ghi bên A là bà Nguyễn Thị Thân, còn bên B để trống.
Đầu tháng 1/2011, thông qua anh rể là Nguyễn Ngọc Truyền, Đông thuê Võ Thành Đông (SN 1979, ở thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) với số tiền 15 triệu đồng để di dời 20 ngôi mộ của dòng họ Đỗ và 1 ngôi mộ của dòng họ Phan. Sau đó, Võ Thành Đông thuê lại 20 người khác để cùng thực hiện di dời 21 ngôi mộ nói trên. Cùng thời gian này, Đông liên lạc với ông Nguyễn Bé (SN 1948, ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) đặt mua 22 cái quách và nhờ ông Bé thuê ông Lê Kim Thạch (SN 1955, trú ở cùng địa phương) đi bốc mộ.
Đêm 17/1/2011, số đối tượng trên đã lén lút đào và định di dời mộ đến nơi khác nhưng không thực hiện được vì họ sợ bị phát hiện. Sau đó hai ngày, các đối tượng trên có mặt tại khu đất xứ Bàu Đưng để tiếp tục thực hiện hành vi trên. Đào xong, họ tiến hành cải táng 21 ngôi mộ vào 22 cái quách đã mua sẵn và chôn cất trên một đám đất cách đó khoảng 300m.
Xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm đến phong tục, tập quán, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Đông, 2 năm tù; Đỗ Thị Ngọc Dung 18 tháng tù; Nguyễn Ngọc Truyền 15 tháng tù và Võ Thành Đông, Nguyễn Bé, Lê Kim Thạch cùng lãnh án 12 tháng tù. Về phần dân sự, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường tổng cộng 332 triệu đồng (trong đó, bị cáo Đông 300 triệu) để gia đình bị hại khắc phục hậu quả.
Tức chồng, con dâu hai lần đào trộm mộ mẹ chồng
Dù vụ án xảy ra đã lâu nhưng dư âm của nó vẫn làm cho nhiều người phải đau lòng. Anh Nguyễn Tuấn Đạt và chị Trịnh Thị Ngọc chung sống như vợ chồng ở Australia. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt, họ ly thân. Trịnh Thị Ngọc gọi điện về Việt Nam cho em gái là Trịnh Thị Oanh bàn cách trả thù anh Đạt.
Trịnh Thị Ngọc về nước, bàn với Trịnh Thị Oanh và em trai là Trịnh Như Hùng việc sẽ đào mả bà Đinh Thị Tiến (mẹ anh Đạt), đem hài cốt giấu đi nơi khác. Sau khi bàn bạc: Oanh, Ngọc cùng với 8 người nữa, mang cuốc xẻng, bí mật đến nghĩa trang Cửa Ông khai quật, bốc hài cốt của bà Đinh Thị Tiến đem về, giấu ở nghĩa trang phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên)… Xong việc, Ngọc đi Australia.
Một thời gian sau, Ngọc lại điện thoại về cho Trịnh Như Hùng, bảo đào hài cốt bà Tiến lên (lần thứ hai) đem về giấu ở vườn nhà anh Nguyễn Văn Năng….
TAND thị xã Cẩm Phả đã mở phiên toà Sơ thẩm xét xử vụ án trên: Trịnh Thị Oanh bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, Trịnh Như Hùng nhận 9 tháng tù treo. Do Trịnh Thị Ngọc cư trú ở nước ngoài, không có mặt tại toà, sẽ được xử lý sau.
Trước đó, Bà Phạm Thị Thuý, 66 tuổi, cho biết, cuối năm 2005, bà đến thăm mộ bố đẻ là ông Phạm Đình Trầm trên nghĩa trang Đèo Sen, Quảng Ninh. Tới nơi, bà thấy anh Phạm Quang Vinh cùng mấy người, đang đào dở phần mộ của ông cụ. Hai bên tranh cãi quyết liệt, anh Vinh cậy đông người, vẫn lôi được tiểu hài cốt của ông Trầm từ dưới huyệt lên, đem chôn xuống một cái hố đã đào sẵn gần đó một cách cẩu thả, sơ sài.
Sau khi “chiếm” huyệt mộ của ông Trầm, anh Vinh còn sửa sang thêm xung quanh, làm nơi an táng dự phòng cho bố mẹ anh ta (còn sống)…
TAND TP. Hạ Long đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án trên: Phạm Quang Vinh bị tuyên phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo về tội Xâm phạm mồ mả, hài cốt theo điều 246 Bộ luật hình sự. Toà còn buộc anh Vinh phải bồi thường thiệt hại cho bà Thuý 7 triệu đồng để xây lại mộ cho bố.
Phơi thây người chết
Ngày 3/2/2012, công an huyện Chiêm Hóa – Tuyên Quang cho biết, hiện đơn vị này đang điều tra vụ đào trộm mộ người chết, xảy ra vào ngày 13/1/2012.
Theo ông Nguyễn Văn Phú – Trưởng Công an huyện Chiêm Hóa, cơ quan điều tra đã khoanh vùng một số đối tượng và đang trong quá trình điều tra, truy tìm thủ phạm.
Trước đó, vào ngày 13/1/2012, là 49 ngày mất của anh Lương Chí Dũng (SN 1966, trú tại tổ Vĩnh Lợi – Vĩnh Lộc – Chiêm Hóa – Tuyên Quang), gia đình lên mộ để cúng thì phát hiện ngôi mộ của anh Dũng bị đào xới, bia đá, bát hương bị vứt ngổn ngang.
Lo sợ bị mất xác người thân, gia đình nạn nhân đã đồng ý để lực lượng chức năng cho người đào chiếc quan tài lên khám nghiệm. Khi chiếc quan tài được đào lên, công an xác định mảnh gỗ nhỏ được phát hiện trước đó thuộc phần đầu của chiếc áo quan. Phần vải quấn mặt của tử thi bị kẻ xấu rạch ra. Yên tâm vì không bị mất xác người thân, gia đình nạn nhân đã đề nghị không khám nghiệm tử thi và thực hiện các nghi thức tâm linh, chôn cất lại người xấu số.
Theo suy đoán của gia đình nạn nhân, có thể kẻ xấu “nhắm” lấy dây chuyền vàng đeo ở cổ tử thi. Nhưng trên thực tế, số trang sức đeo cho người chết chỉ là mỹ ký, không có giá trị về mặt kinh tế.
Chồng chị Thơ chẳng may qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan quái ác. Chị Thơ phải gạt nước mắt, tiếp tục những buổi chợ để có tiền nuôi đứa con gái đang tuổi ăn học.
Từ ngày xảy ra vụ việc, chẳng lúc nào chị Thơ được yên lòng bởi kẻ xấu vẫn chưa được các cơ quan chức năng vạch mặt, chỉ tên. Chị mong mỏi sự trừng trị đích đáng của Pháp luật đối với kẻ đã khiến cho thân xác chồng chị bị đào xới không yên.
Nhân quả ở đời
Với động cơ trả thù cá nhân, tranh giành nơi “yên nghỉ” của người đã khuất hoặc vì động cơ trục lợi cá nhân, một số đối tượng đã bất chấp đạo lý ở đời để gây tội ác. Những vụ việc này gây rối loạn trật tự xã hội, xâm phạm nghiêm trọng tới tâm linh, phong tục, đạo đức của người Việt Nam.
Châm ngôn có câu: Mả đẹp nhưng mồ không yên, kính chẳng bỏ phiền, để luỵ cháu con. Người đã khuất mong mỏi khi nhắm mắt xuôi tay được mồ yên mả đẹp là vì vậy.
Ở đời cần nghĩ và làm điều thiện thì cuộc sống sau này sẽ bớt ưu phiền. Với những người có lối suy nghĩ và cách hành xử bất chấp luật pháp, coi thường luân thường đạo lý, sẽ khó mà thoát khỏi vòng lao lý.
Dương Tử