Tuổi trẻ “du kích Robin Hood”
Ông Mujica sinh năm 1935, là con của một nông dân người gốc Tây Ban Nha và một người nhập cư từ Italia. Mồ côi cha khi mới lên 5, tuổi trẻ của ông là những năm tháng chật vật kiếm kế sinh nhai. Hoàn cảnh này được cho là một phần lý do tạo nên nếp sống vô cùng tiết kiệm của ông sau này.
Tuổi trẻ của ông Mujica là những ngày tháng chứng kiến tình cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn. Dưới chế độ quân sự độc tài lúc bấy giờ, nền kinh tế Uruguay chìm sâu vào khủng hoảng. Tỉ lệ lạm phát ở nhiều thời điểm lên đến 60% trong khi số người thất nghiệp cũng luôn ở mức cao chót vót.
Chứng kiến cảnh lầm than của người dân, đầu những năm 1960, ông Mujica và một nhóm người cùng chí hướng đã lập ra phong trào Tupamaros – một nhóm chính trị có vũ trang lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Cuba, đứng ra đấu tranh chống lại chế độ độc tài ở Uruguay.
Lực lượng mỏng nhưng chỉ ít lâu sau khi ra đời, Tupamaros đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Họ được gọi bằng cái tên đầy trìu mến là “những du kích Robin Hood” khi thực hiện nhiều vụ cướp ngân hàng, cướp tài sản của các chính trị gia giàu có hay các xe chở hàng của chính phủ để lấy tiền và thực phẩm phân phát cho những người dân nghèo.
Vì đấu tranh nên nhóm của ông Mujica bị truy bắt rất gắt gao. Tháng 3/1970, cả nhóm bị vây bắt trong một lần “hành sự”. Sau khi bị bắn đến 6 viên đạn, ông cùng nhiều người đồng chí bị bắt sống và phải lĩnh bản án 13 năm tù giam.
Tháng 9/1971, Mujica đã cùng một số thành viên của nhóm Tupamaros trốn thoát khỏi nhà tù Punta Carretas bằng cách đào một đường hầm từ phòng giam ra một ngôi nhà ở gần đó. Song, chưa đầy một tháng sau, ông đã bị bắt lại. Đến tháng 4/1972, Mujica lại một lần nữa vượt ngục thành công, cũng bằng cách đào hầm ra ngoài nhưng cũng đã thêm 1 lần bị bắt trở lại.
Năm 1973, đảo chính nổ ra ở Uruguay nhưng không mang lại tiến triển tươi sáng cho đất nước. Bản thân Mujica bị liệt vào nhóm bị canh giữ cực kỳ nghiêm ngặt. Trong suốt 2 năm trời, ông bị biệt giam dưới đáy một giếng cạn. Mujica về sau kể lại rằng, trong thời gian đó, ông đã phải nói chuyện với những con ếch và côn trùng để không quên tiếng người và không bị phát điên vì bị cô lập với thế giới. Năm 1985, nền dân chủ lập hiến được khôi phục ở Uruguay, Mujica và nhiều đồng đội khác được thả ra theo một đạo luật ân xá.
Ông Mujica và các thành viên còn lại của nhóm Tupamaros đã cùng các tổ chức cánh tả khác lập Phong trào MPP - một đảng chính trị thuộc liên minh Mặt trận mở rộng ở Uruguay. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 1999, ông đắc cử nghị sỹ. Đến năm 2005, một năm sau khi MPP trở thành đảng lớn nhất trong liên minh Mặt trận mở rộng, Mujica được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính phủ liên minh thời ấy.
Được sự tín nhiệm cao, năm 2009, ông trở thành đại diện của Mặt trận mở rộng ra tranh cử tổng thống. Nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn và người nghèo, tại cuộc bầu cử diễn ra tháng 10 cùng năm, liên minh của ông Mujica giành được thế đa số trong Quốc hội, đồng nghĩa với việc ông trở thành Tổng thống Uruguay nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Nguyên thủ nghèo nhất thế giới
Nhiệm kỳ tổng thống 2010 – 2015 của ông Mujica được dư luận thế giới đánh giá cao vì những tiến bộ mà ông mang đến. Nhiều người dân Uruguay bày tỏ cảm kích trước việc Chính phủ của ông đã giúp tạo thêm nhiều việc làm, giảm sự bất bình đẳng trong xã hội và tăng thu nhập cho đại đa số người dân.
Cũng nhờ có ông mà hệ thống luật pháp của Uruguay trong vấn đề lao động được cải thiện đáng kể. Việc thực thi chính sách làm việc 8 tiếng mỗi ngày cho các công nhân ở vùng nông thôn là một trong những thành tựu đáng chú ý của Mujica.
Cựu Tổng thống Uruguay sống rất tằn tiện. |
Có điều, lối sống tằn tiện, trái ngược với cuộc sống xa hoa của nhiều chính trị gia khác của ông Mujica mới là điều khiến dư luận chú ý tới ông nhiều hơn. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông tuyên bố sẽ chỉ nhận 10% trong khoản lương 12.000 USD hàng tháng của tổng thống còn 90% được chuyển thẳng cho các tổ chức từ thiện ở Uruguay.
Không chỉ vậy, ông cũng từ chối chuyển đến sống trong dinh tổng thống mà vẫn tiếp tục sống trong trang trại nằm lọt thỏm ở một vùng quê hẻo lánh của gia đình. Trong ngôi nhà đó chỉ có vài món đồ thiết yếu như giường, tủ và một chiếc TV để xem tin tức.
Đặc quyền sử dụng xe công cũng bị ông từ chối nốt. Thay vào đó, vị tổng thống vẫn sử dụng chiếc xe Volkswagon Beetle cũ kỹ, được sản xuất từ năm 1987 làm phương tiện di chuyển. Ông cũng từ chối tiếp nhận người phục vụ, chỉ nhận 2 cảnh vệ và một chú chó tật nguyền chỉ có 3 chân ông đã nuôi từ rất lâu.
Hàng xóm của ông lúc bấy giờ vẫn thường xuyên nhìn thấy ông tranh thủ xắn áo xắn quần “tăng gia sản xuất”, xới đất, bón phân, trồng cây… bán lấy tiền trong những lúc rảnh rỗi. Truyền thông lúc bấy giờ đặt cho ông biệt danh là tổng thống nghèo nhất thế giới.
Nói đi cũng phải nói lại, nhiệm kỳ tổng thống của ông Mujica không hẳn không vấp phải những ý kiến trái chiều, nhất là trong vấn đề kinh tế. Nhiều người cho rằng ông đã không có những biện pháp phù hợp để siết chặt chi tiêu công, làm giảm mức thâm hụt ngân sách/GDP…
Việc ông vận động chính cho phép phá thai với thai nhi dưới 12 tuần hay hợp pháp hóa cần sa ở đất nước bảo thủ như Uruguay cũng khiến ông có thêm những người chỉ trích. Mặc dù vậy nhưng trong con mắt của nhiều người dân Uruguay, đất nước họ được nhiều hơn là mất khi ông Mujica làm tổng thống.
Thêm một lần tỏa sáng?
Tháng 3/2015, ông Mujica kết thúc nhiệm kỳ vì luật Uruguay không cho phép tổng thống được giữ chức 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 2016, ông thông báo sẽ từ bỏ nốt vị trí nghị sỹ trong Quốc hội Uruguay nhưng sau đó đã hoãn quyết định lại. Mãi đến tháng 8 vừa qua, ông mới chính thức gửi đơn xin thôi nhiệm vụ dù nhiệm kỳ nghị sỹ của ông đến năm 2020 mới kết thúc.
Kể từ khi thôi chức tổng thống, ông Mujica ít khi xuất hiện trước truyền thông. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được thực hiện vào năm 2016, ông nói rằng rất hài lòng với cuộc sống nông nhàn, trồng rau nuôi gà, thi thoảng mới tham chính của mình.
Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, cái tên Mujica lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi 2 bộ phim tài liệu về cuộc đời làm chính trị trị của ông được công chiếu tại Liên hoan phim Venice. Bộ phim đầu tiên có tên “El Pepe: Một cuộc đời cao thượng”, là tác phẩm đầu tay của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica.
Bộ phim thứ 2 có tên “Đêm dài 12 năm” kể về chế độ độc tài quân sự ở Uruguay thời kỳ trước và những năm tháng ông Mujica cùng các đồng sự bị cầm tù vì dám đứng lên đấu tranh. Lần công chiếu ở Venice cũng lần đầu phim được ra mắt khán giả.
Việc hai bộ phim được công chiếu được nhiều người đặt nghi vấn là cách gián tiếp để ông Mujica đánh tiếng trở lại chính trường. Hiện nay, nhiều người cho rằng rất có thể trong năm tới ông tái xuất, vận động bầu cử cho nhiệm kỳ tổng thống Uruguay 2020 – 2015. Đáng chú ý, mức độ ủng hộ của người dân dành cho ông Tabare Vasquez - Tổng thống đương nhiệm của Uruguay, người kế nhiệm ông Mujica - đang ở mức rất thấp.
Các nhà quan sát cho rằng đây cũng là một yếu tố thuận lợi để cựu tổng thống có thể quay trở lại chính trường. Bản thân ông khi xin thôi làm nghị sỹ nói rằng ông nghỉ vì “đã kiệt sức sau một hành trình dài” nhưng vẫn khẳng định “miễn là đầu óc còn hoạt động thì còn chiến đấu”. Nếu quả thực như vậy, sự trở lại của ông Mujica sẽ là một sự kiện rất đáng được trông đợi. Ông Mujica năm nay đã 83 tuổi.