[links()]Mượn cớ “thuê bụng” để lạm dụng tình dục với người “đẻ thuê”, đẻ xong rồi không trả con cho “thân chủ”, nhận tiền tạm ứng nhưng khi mang bầu thì vợ chồng khách ly dị... Phía sau nghề “đẻ thuê” có vô vàn chuyện cười ra nước mắt.
Thật, giả nhu cầu cần con
Tại phòng cấp cứu Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, trong tình trạng nằm chờ phẫu thuật do thai ngoài tử cung, chị C. (33 tuổi) tâm sự: “Đây là lần thứ hai em thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bị thất bại. Lần đầu tiên, thai đậu được 9 tuần thì sảy, phải vào viện để xử lý nốt. Và lần này lại bị thai ngoài khi thai nhi đã hình thành được 7 tuần. Em đau khổ quá. Có người đã khuyên em rằng tình trạng sức khỏe của em có khi phải tính đến việc nhờ người mang thai hộ. Em cũng đã hỏi qua việc này, nếu thực hiện theo “danh chính ngôn thuận”, được luật pháp cho phép thì mọi việc nhiêu khê lắm lắm. Còn nếu nhờ đến dịch vụ ngầm “đẻ thuê” thì tốn một số tiền cũng không nhỏ. Giờ em chưa biết tính sao”.
Nhu cầu tìm đến “dịch vụ ngầm đẻ thuê” là có thật. Chỉ có rất ít trường hợp khách là những người đàn ông quá lứa, không có ý định lấy vợ nhưng lại muốn có con ruột. Còn phần lớn khách hàng đến với dịch vụ này là những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không có con.
Vợ chồng anh N.D.H. (ở Biên Hòa, Đồng Nai) là một ví dụ. Vợ anh bị u nang buồng trứng, sau khi giải phẫu coi như vô sinh. Vì quá khát khao có được một đứa con, chị đành “nhắm mắt làm liều” cho phép chồng tìm con qua dịch vụ “đẻ thuê”. Sau gần một năm thực hiện “hợp đồng” với một cô gái làm nghề này, vợ chồng anh H. đã có được đứa con trai bụ bẫm như mong ước.
Ảnh minh họa. |
Anh H. tâm sự: “Để có con theo cách này, vợ chồng tôi phải hết sức tin tưởng nhau. Quan trọng là phải luôn luôn xác định tình yêu dành cho vợ là trên hết, một lòng một dạ thủy chung với vợ. Việc tìm con thông qua “đẻ thuê” với người khác chỉ là chuyện chẳng đừng, là dịch vụ, trao tiền, nhận con coi như xong. Nếu tôi dính dáng, lằng nhằng, tòm tem với người “đẻ thuê” coi như tai họa. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, vợ chồng chỉ còn nước li tán...”.
Sự cảnh giác của anh H. là có cơ sở bởi bên cạnh những khách hàng muốn có con thật, không hiếm trường hợp sau khi thực hiện “hợp đồng” xong, thay vì ôm con về và cắt đứt mọi quan hệ với người đẻ mướn, ông khách đã quay ra... “nghiện” luôn người đẻ ra con mình. Trong đó có cả chuyện nhiều ông chồng đã lợi dụng chuyện tìm người nối dõi để “mua vui” với người “đẻ thuê”.
Mận (quê ở Trực Ninh, Nam Định) từng “đẻ thuê” 4 lần trong 10 năm tâm sự: “Khổ lắm cô ạ! Có lần nhà cháu gặp phải một “đối tác” khỏe mạnh, chưa đầy 50 tuổi, lấy lý do vợ đang bệnh nên không đi cùng để thỏa thuận hợp đồng. Ông ta hứa đưa ngay 30 triệu đồng khi nhà cháu có bầu.
Cách 2 ngày, ông ta đến “quan hệ” một lần và tìm cách kéo dài. Gần gũi hơn một tháng vẫn chưa thụ thai khiến nhà cháu đâm lo. Sợ mình không còn khả năng sinh con nên nhà cháu chủ động xin hủy hợp đồng nhưng ông ấy không đồng ý. Một hôm, tự dưng có một phụ nữ xưng là vợ của ông ta tìm đến và cho biết chồng bà ta không thể có con vì tinh trùng chẳng có. Mặc dù biết chồng làm việc này nhưng bà không dám can ngăn vì sợ bị chồng đánh”.
Rút kinh nghiệm nên từ đó gặp “mối” nào, Mận cũng đều yêu cầu chỉ được “quan hệ” khi chị đã canh thời điểm thụ thai có thể xảy ra. “Nếu có dấu hiệu đậu thai thì ngưng, đề phòng bị “đối tác” lợi dụng, chứ ngày nào cũng “đòi” thì... thiệt cho nhà cháu quá!” - Mận nói.
Rắc rối “bể show”
Với các “thân chủ”, việc tìm được người “đẻ thuê” cho phù hợp và thực sự “sòng phẳng” cũng rất khó. Đó phải là một phụ nữ khỏe mạnh, không bệnh tật, nhưng liệu cô ta có phá “hợp đồng”, đẻ xong có đeo bám, kiếm cớ gặp con hay không thì không ai dám chắc. Có trường hợp, vì quá thương đứa trẻ do mình rứt ruột đẻ ra, người “đẻ thuê” đã tìm bằng được địa chỉ của khách để hoàn trả tiền và... đòi lại con, khiến vợ chồng nọ khốn đốn, phải bí mật bán nhà, dọn đi chỗ khác ở mới tránh được sự săn đuổi.
Vợ chồng anh T.T.S. và chị T.K.L. (ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cũng ở trong tình trạng “tiền mất mà con cũng không được nhận” vì người mang thai hộ... trở chứng. Chị L. cho biết, anh chị kết hôn với nhau đã hơn 5 năm nhưng vẫn chưa có con. Đã 3 lần gia đình vui mừng khôn xiết để rồi lại buồn rầu khôn nguôi vì chị có thai rồi lại bị sảy thai. Hóa ra trứng của chị và tinh trùng của anh đều hoàn toàn bình thường, nhưng lại không hợp nhau. Gần 10 năm lấy nhau, hai vợ chồng vẫn phải sống trong cảnh buồn tẻ vì thiếu tiếng cười trẻ thơ.
Một ngày, có người quen bày cách tìm người “đẻ mướn”. Ban đầu anh chị phản đối quyết liệt, nhưng rồi được người thân tỉ tê mãi, anh S. đồng ý với cách này. Cả hai vợ chồng tìm gặp người đồng ý mang thai hộ để thỏa thuận những giao ước trước và sau khi sinh con. Theo đó, người mang thai hộ phải giữ tuyệt đối bí mật danh tính của hai vợ chồng, sau khi sinh con xong thì cầm tiền và... ra đi.
Mọi chi phí trong quá trình điều trị, mang thai và sinh nở sẽ do vợ chồng anh S. chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ hoàn thành thì người mang thai hộ sẽ nhận được khoản tiền là 20 triệu đồng; sau đó không còn ràng buộc gì với gia đình anh S. Nhiều lần lên xuống bệnh viện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng anh S. vui mừng khi biết đứa con mà anh chị chờ đợi đang dần hình thành trong bụng người đẻ mướn. Vợ chồng anh chuẩn bị tâm lý để đón đứa trẻ chào đời.
Thế nhưng, khi đứa bé ra đời thì người mang thai hộ lại nhất quyết không giao trả đứa bé. Lý do là vì thấy bé bụ bẫm, quá dễ thương, thêm vào đó hơn 9 tháng mang thai khiến người mang thai hộ nảy sinh tình mẫu tử với đứa bé từ lúc nào không hay.
“Tất cả những điều này cần được “đảm bảo chất lượng” nhưng vì là dịch vụ “chui” nên mọi điều không ai dám chắc chắn 100%. Từ sự hình thành đến việc an toàn cho sự sống của một sinh linh bé bỏng và kể cả tính pháp lý của hợp đồng... chỉ được “bảo chứng” bởi chữ “tín” giữa những người không quen biết. Nếu chẳng may người “đẻ thuê” lật kèo thì mình cũng đành chịu. Biết kiện ai? Chính vì thế, sau khi đổ bể với “dịch vụ ngầm” này, vợ chồng tôi đã từ bỏ ý định… nhờ đẻ và quyết định nhận con nuôi” - anh H. tâm sự.
Nỗi niềm “giữa đường đứt gánh”
“Đứa con mình đẻ đầu tiên, khi trao nó cho người ta mình thương lắm. Nhưng khi đã thật sự với nghề thì tình mẫu tử dường như đã chai sạn” - L.T.X. (27 tuổi, làm nghề “đẻ thuê” tại khu vực bến Chương Dương, quận 1) không ngại ngần tâm sự. Cô gái này cũng than thở: “Chung đụng thân xác với một kẻ hoàn toàn xa lạ để mang thai, đẻ con cho họ, ê chề lắm. Kiếm được đồng tiền từ nghề này không phải là dễ đâu”.
X. kể, một người bạn gái của cô ta vì mang thai không đúng con trai, nên bị “đối tác” hủy hợp đồng, cao chạy xa bay, khiến cô gái đó phải đi “giải quyết khối tình” ở Bệnh viện Từ Dũ. Tiền ứng trước của “đối tác” chi vừa hết cho thuốc thang.
Day dứt hơn là câu chuyện của chị Ph. Chị có một con trai với người chồng quá cố. Không may, cậu bé bị suy tim buộc phải phẫu thuật tốn kém. Vay mượn đã quá nhiều đến mức hàng xóm dù thương đến mấy cũng không dám cho chị vay nữa. Không có tiền phẫu thuật, con chị sẽ không thể tiếp tục duy trì sự sống. Thương con, chị nhắm mắt nghe theo lời người quen nhận “đẻ thuê” cho một gia đình hiếm muộn ở Bình Dương. Hợp đồng được kí với giá 50 triệu đồng.
Mang thai 3 tháng, Ph. vẫn được người đàn bà hiếm muộn nọ hàng tháng đưa đi khám thai định kì, mua thực phẩm tẩm bổ và đối xử hết sức quan tâm, ngọt ngào. Bẵng đi tới gần 2 tháng, không thấy bà ta tới. Gọi điện thì vợ chồng họ đã không còn dùng số cũ.
Nóng ruột, chị tìm tới người quen đã giới thiệu thì mới tá hỏa khi biết vợ chồng họ vừa mới ly dị. Nhà cửa đã bán, tài sản đã chia chác xong, “anh đi đường anh, tôi đường tôi” và bản hợp đồng kí với chị họ không còn nhớ đến. Lúc này chị đã mang thai 5 tháng. Số tiền “tạm ứng” 20 triệu đồng của đôi vợ chồng nọ cũng đã hết sạch theo những đợt điều trị của cậu con trai ốm yếu. Trắng tay, bụng mang dạ chửa, lại cộng thêm một cậu con trai triền miên đau ốm, chị đã sống những ngày bi kịch nhất đời mình.
Một bi kịch đau lòng khác xảy ra với một cô gái hành nghề “đẻ thuê” G. Khác với chị Ph, G. là một “đẻ thuê viên” chuyên nghiệp. Cô đã từng “đẻ thuê” cho 2 người và tất cả đều “xuôi chèo mát mái”. Thấy “công việc” cũng không khó nhọc gì lại được chăm sóc, chiều chuộng, tẩm bổ, G. không ngại ngần kí kết với một đối tác tiếp theo.
Ở đời ai biết được chữ “ngờ” và G. cũng không thể là ngoại lệ. Lần này, mọi việc tưởng như đã thuận buồm xuôi gió cho đến khi cô lâm bồn. Biến chứng đã xảy ra. Bác sĩ đã bắt buộc phải cắt bỏ tử cung của G. Vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ, lúc này bản năng của người phụ nữ mới trỗi dậy trong G. Cô không muốn trao con cho gia đình “Bên A”. Nhưng tất cả đã muộn, đứa bé vẫn thuộc về họ đúng như hợp đồng kí kết chỉ còn G. với nỗi đau có thật, một bi kịch mang tên “đẻ thuê”.
Thu Hồng (còn tiếp)