Chủ trì cuộc họp báo ngày 6/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngoài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn bị tác động của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Mặc dù vậy, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn thể hiện được là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, GDP của ngành NN&PTNT Quý III đã đạt mức tăng trưởng là 2,93%, cao hơn Quý I và II; trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,70%, thủy sản tăng 2,47%. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của Ngành đạt 1,84% (nông nghiệp tăng 1,65%, lâm nghiệp tăng 2,02%, thủy sản tăng 2,44%).
Đáng chú ý, tình hình chăn nuôi trên cả nước 9 tháng qua phát triển khá tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. “Bộ NN &PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm,... đảm bảo nguồn cung thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Với mức tăng giá trị sản xuất quý III là 9,6%, theo Thứ trưởng Tiến, đây là là lĩnh vực đạt tốc độ tăng cao nhất. Lũy kế 9 tháng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng 3,76%. Sản lượng thịt hơi các loại Quý III ước đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng 9,0%, 9 tháng đạt khoảng 3,9 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thịt trâu ước đạt 69,0 nghìn tấn, tăng 1,8%; sản lượng thịt 272,6 nghìn tấn, tăng 5,7%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 799,2 nghìn tấn, tăng 9,9%; sản lượng thịt hơi gia cầm đạt 1.056,7 nghìn tấn, tăng 11,4%; sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt 10,7 tỷ quả, tăng 10,8%...
Riêng với thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương nhìn chung vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.483,1 nghìn tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng quý III ước đạt 846,2 nghìn tấn, tăng 9,7%).
Tổng hợp số liệu từ các địa phương cho biết, hiện cả nước đã có khoảng 25,5 triệu con lợn (bao gồm cả lợn con theo mẹ) tương đương với 82% so với trước khi dích tả lợn châu Phi (DTLCP) (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). Đối chiếu với số liệu công bố trước đó (đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP) cho thấy tỷ lệ tái đàn đang chậm lại và dự báo cân đối cung - cầu thịt lợn vào cuối quý III, đầu quý IV Bộ này đưa ra trước đó, theo Thứ trưởng Phòng Đức Tiến, sẽ phải lùi đến cuối Quý IV năm nay.
Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ ra là hiện bệnh DTLCP hơn 100 năm nay vẫn chưa có thuốc chữa nên một số địa phương, hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn nhiều. Đơn cử như đến nay vẫn có 22/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ tái đàn dưới 70% (trung bình 55,5%), trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long tái đàn thấp nhất cả nước với tỷ lệ 60,9%.