Trả lời báo chí, Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Truy nã, truy tìm cho biết, quá trình bắt giữ các đối tượng truy nã người nước ngoài rất vất vả, khó khăn khi thông tin về đối tượng rất ít, mơ hồ… Có đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch, trà trộn vào các công ty làm việc. Đơn cử như vụ bắt giữ đối tượng truy nã Park Seongho (SN 2005, quốc tịch Hàn Quốc) có lệnh truy nã quốc tế của Ban Tổng thư ký Interpol tháng 7/2021 về hành vi “Sản xuất và phát tán tư liệu khai thác tình dục trẻ em”.
Manh mối từ tấm hình đen trắng không rõ mặt
Nghi phạm là Park Seongho, bị Ban Tổng thư ký Interpol phát lệnh truy nã số A-5374 về hành vi sản xuất và phát tán tư liệu khai thác tình dục trẻ em, ngày 22/7/2021.
Seongho bị xác định, tháng 3-4/2021, dùng tài khoản mạng xã hội Facebook kết bạn, trò chuyện với nhiều bé gái dưới 16 tuổi ở Hàn Quốc. Khi lấy được lòng tin, anh ta yêu cầu nạn nhân gửi hình ảnh, video "khiêu dâm" qua tin nhắn.
Từ đây, Park Seongho cắt ghép thành các video hoàn chỉnh sau đó phát tán lên nhiều web "đen" để thu tiền bất chính. Thấy hình ảnh con gái bị phát tán, nhiều gia đình làm đơn tố cáo song cảnh sát Hàn Quốc phát hiện nghi phạm không có mặt ở địa phương.
Đầu tháng 11/2021, thông tin do Cục Đối ngoại (Bộ Công an) chuyển đến, Phòng truy nã, truy tìm (Phòng 10, C02) có được chỉ là lệnh truy nã với tên, tuổi, địa chỉ thường trú, tội danh và một hình ảnh đen trắng không rõ mặt. Trinh sát đánh giá manh mối gần như bằng không, lại còn mơ hồ khi không xác định được rõ có trốn ở Việt Nam hay không và các mối quan hệ xã hội của đối tượng.
Sau gần một tháng tung quân, trinh sát nghi ngờ bố mẹ của Park Seongho đang ở một trong các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Một tổ công tác được cử lên đường đi xác minh song gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, mọi hoạt động bị hạn chế.
Đầu tháng 12/2021, cảnh sát xác định chính xác bố mẹ nghi phạm đang sống trong một căn hộ chung cư ở phường Tân Phong, quận 7, TP HCM. Tuy nhiên, trinh sát bí mật báo về không phát hiện Park Seongho có sống cùng.
Sau nhiều ngày truy tìm, phòng 10 đủ cơ sở khẳng định nghi phạm đang trốn ở Việt Nam. Lần theo các manh mối, cảnh sát dựng lên chân dung Park Seongho cao khoảng 1m75, có hình xăm ở cánh tay, tóc màu vàng "bổ dọc", mắt một mí, sống lang bạt và không nói sõi tiếng Việt.
"Nhập cảnh cùng bố mẹ vào Việt Nam từ năm 2017 nhưng Seongho không sống cố định một nơi mà di chuyển liên tục giữa các tỉnh phía Nam. Biết đang bị truy nã quốc tế, anh ta xoá dấu vết liên tục mỗi khi di chuyển", trinh sát nhận định.
Kỳ công mật phục truy bắt
Sau nhiều chuyến truy tìm dọc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai không được kết quả như mong đợi, cảnh sát dùng các biện pháp nghiệp vụ dựng lên hành trình lẩn trốn. Xác định anh ta sẽ về thăm bố mẹ ở một thời điểm nhất định, tổ công tác tung quân mật phục.
Căn hộ chung cư này giám sát chặt người ra vào nên nếu để lộ có người lạ mặt xuất hiện chuyên án có thể bị đổ bể. Tổ công tác phải cải trang thành nhiều vai để dễ tiếp cận gần nhất với hiện trường và tránh “bứt dây động rừng”, trinh sát kể.
Chiều 19/12/2021, phán đoán Park Seongho sẽ về thăm bố mẹ nên Thượng tá Hoàng Thanh Bình, đại uý Nguyễn Phước Thành (Phó phòng và trinh sát Phòng 10) dẫn đầu tổ công tác giăng quân lần thứ ba. Hơn 10 người, gồm cả công an địa phương, chia thành hai nhóm chính vào vai bảo vệ, lao công mật phục quanh "mục tiêu".
18h, trời nhá nhem tối nhìn không rõ mặt người, trinh sát ở vị trí số một phát hiện người tình nghi bước xuống taxi, đi bộ vào sảnh toà nhà. "Bảo vệ" ở vị trí số hai lúc này phát hiện anh ta bấm thang lên đúng số tầng mà bố mẹ đối tượng đang ở. Sau vài bước xác minh, cảnh sát khẳng định đây là Park Seongho.
Nghi phạm vừa ra khỏi thang máy bị liền bị trinh sát ập đến đề nghị kiểm tra hành chính. Cùng lúc đó, một công an mặc quân phục chờ trong phòng chờ kỹ thuật xuất hiện phối hợp. Park Seongho vừa xuất trình tấm hộ chiếu cũng là lúc lệnh bắt được đọc. Hai ngày sau đó, Công an Việt Nam bàn giao Park Seongho cho Cảnh sát Hàn Quốc ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Thượng tá Bình, việc bắt giữ tội phạm nước ngoài trốn truy nã ở Việt Nam khó hơn nhiều khi thông tin về nhân thân, gia đình không có. Trong khi các đối tượng hầu hết đều có đặc điểm chung sống khép kín, ít giao lưu và đã chuẩn bị nhiều phương án che giấu thân phận. Hơn nữa, việc giữ tội phạm có yếu tố nước ngoài cần cẩn trọng gấp nhiều lần để tránh bắt sai người, gây ra những hệ luỵ không đáng có.
Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng 10 cho biết, từ 15/12/2021 đến 15/1/2022, đơn vị đã bắt và vận động đầu thú nhiều đối tượng trốn truy nã. "COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến công tác truy bắt song chúng tôi vẫn quyết áp dụng các biện pháp và đạt hơn gấp đôi chỉ tiêu lãnh đạo Cục giao phó", đại tá Cường nói.
Căn hộ chung cư này giám sát chặt người ra vào nên nếu để lộ có người lạ mặt xuất hiện chuyên án có thể bị đổ bể. Tổ công tác phải cải trang thành nhiều vai để dễ tiếp cận gần nhất với hiện trường và tránh “bứt dây động rừng”, trinh sát kể. Chiều 19/12/2021, phán đoán Park Seongho sẽ về thăm bố mẹ nên tổ công tác giăng quân lần thứ ba. Hơn 10 người, gồm cả công an địa phương, chia thành hai nhóm chính vào vai bảo vệ, lao công mật phục quanh "mục tiêu".