Nhiệm vụ ngày càng được mở rộng
Cách đây 20 năm, ngày 10/7/2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 104/2001/QĐ-TTg thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện việc quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ), tổ chức việc đăng ký, cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, ngày 26/10/2001, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 412/2001/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục. Theo đó, bên cạnh chức năng quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ, Cục còn thực hiện nhiệm vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển).
Từ ngày 12/3/2002, Cục Đăng ký đã triển khai công tác ĐKGDBĐ tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản đặt tại Hà Nội. Sau đó, Chi nhánh đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hồ Chí Minh (Chi nhánh số 1) được thành lập và thực hiện ĐKGDBĐ từ ngày 26/8/2002 và Chi nhánh đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Đà Nẵng (Chi nhánh số 2) được thành lập, triển khai hoạt động đăng ký từ ngày 14/7/2004 nhằm đáp ứng nhu cầu đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.
Nhằm kiện toàn tổ chức và hoạt động của Cục Đăng ký, ngày 24/3/2005, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 171/QĐ-BTP phê duyệt Đề án về kiện toàn tổ chức, cán bộ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giai đoạn từ 2005 đến 2007. Theo đó, Cục chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ, chức năng đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm được giao cho các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản. Trên cơ sở đó, ngày 24/3/2005 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Các Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản nói riêng, sự hoàn thiện về tổ chức bộ máy của Cục Đăng ký nói chung.
Tiếp theo đó, nhằm kiện toàn tổ chức và hoạt động của Cục Đăng ký để phù hợp với điều kiện và tình hình mới, trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục như: Quyết định số 432/2009/QĐ-BTP ngày 23/2/2009, Quyết định số 2471/QĐ-BTP ngày 3/10/2013, Quyết định số 3018/QĐ-BTP ngày 13/12/2018. Theo các Quyết định này, nhiệm vụ của Cục Đăng ký ngày càng được mở rộng hơn, bên cạnh những nhiệm vụ quản lý nhà nước chung, Cục Đăng ký còn có các nhiệm vụ quản lý nhà nước đặc thù về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm. Cụ thể: Thực hiện quản lý về tổ chức và hoạt động đối với các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm này thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm theo thẩm quyền; xây dựng, vận hành và quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm và Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản…
Bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Cục Đăng ký đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện nay, theo Quyết định số 3018/QĐ-BTP ngày 13/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Đăng ký có 2 tổ chức hành chính gồm: Văn phòng Cục, Phòng Quản lý nghiệp vụ và 3 tổ chức sự nghiệp trực thuộc gồm: Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Cục Đăng ký hiện có trên 100 công chức, viên chức và người lao động, đa số có trình độ từ đại học trở lên. Công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Cục luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đúng quy định pháp luật, đến nay đội ngũ này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao và ngày càng được chuẩn hóa theo chức danh, vị trí việc làm.
Các tổ chức Đảng, đoàn thể được thành lập ngay từ những ngày đầu Cục đi vào hoạt động và phát huy được chức năng, vai trò của mình. Sau 20 năm, đến nay các tổ chức Đảng, đoàn thể của Cục đã được cơ cấu hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chính trị mà Cục được giao, gồm: 1 Đảng bộ cơ sở, 1 Công đoàn cơ sở và 3 Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Như vậy, tổ chức bộ máy của Cục Đăng ký đã và đang được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm nhiều đầu mối, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong khối giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Việc đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Cục Đăng ký đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn chặt với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 1610/QĐ-BTP ngày 05/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy của Cục đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được phân định rõ ràng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.