Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: “Hy vọng những vướng mắc của tổ chức tín dụng được tháo gỡ kịp thời”
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tôi xin gửi tới Quý Cục lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn cũng như những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Gần đây, ngay sau khi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021) được ban hành, ngày 15/4/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến đến tất cả cán bộ tín dụng, pháp chế và những người liên quan của các TCTD trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo điều kiện cho tất cả cán bộ nắm bắt, triển khai có hiệu quả khi Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành. Sắp tới, theo yêu cầu của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các cán bộ ngân hàng tại các địa phương về nội dung này.
Hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất mong Bộ Tư pháp tạo điều kiện để các TCTD tham gia ngay từ khâu soạn thảo và các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến dự thảo Nghị định, để khi ban hành đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng.
Trong thời gian tới, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nguy cơ rủi ro trong hoạt động kinh doanh nói chung và ngân hàng nói riêng được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng, nhất là hoạt động cho vay. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hy vọng với sự đồng hành, hỗ trợ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, những vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ được kịp thời tháo gỡ, hoạt động nhận tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng sẽ đạt được những kết quả tích cực, an toàn, hiệu quả hơn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước: “Giao dịch bảo đảm có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động cấp tín dụng”.
Giao dịch bảo đảm có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), là biện pháp phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thu hồi nợ của khách hàng. Ý thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, NHNN nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong công tác thể chế hóa các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trong 20 năm hình thành và phát triển, với nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm bắt kịp xu thế phát triển về lĩnh vực này trong nước cũng như quốc tế, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là đơn vị đầu mối xây dựng rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các TCTD luôn tham gia phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm với vai trò thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, chuyên gia… Trong quá trình phối hợp, các ý kiến đóng góp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn được ghi nhận một cách chính xác, kịp thời, góp phần cho việc các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm được ban hành nhanh chóng đi sâu và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hoạt động về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm trong đời sống nói chung. Có thể nói, việc phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thời gian qua đã mang lại những hiệu quả vô cùng thiết thực, góp phần không nhỏ cho việc thể chế hóa các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng và sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong việc thể chế hóa các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm và các hoạt động có liên quan.
Ông Kyle F. Kelhofer – Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào PDR “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp và Cục Đăng ký để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi hơn”
Lời đầu tiên, tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo và các cán bộ của Bộ Tư pháp và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm hay còn gọi là NRAST, đã cùng hợp tác với IFC trong những năm vừa qua để phát triển các chế định về giao dịch bảo đảm.
Bộ Tư pháp, đặc biệt là Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là một đối tác lâu dài của IFC trong việc phát triển các chế định về giao dịch bảo đảm. Trong số các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực này, chúng tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự hình thành và phát triển hiệu quả của Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm trong vòng 10 năm qua. Hệ thống trực tuyến này là một trong những mảnh ghép rất quan trọng của Cơ sở hạ tầng tài chính và là nền tảng để phát triển thị trường tài chinh hiện đại.
Việt Nam hiện nay đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý về giao dịch bảo đảm tốt hơn, cùng với sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, và Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ Luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp các thông tin về các giao dịch bảo đảm liên quan tới động sản một cách minh bạch tới các bên cho vay. Hệ thống này cũng đã thiết lập nguyên tắc về thứ tự ưu tiên giữa các chủ nợ có bảo đảm trong việc thanh toán các khoản nợ của bên vay khi bên vay không trả được nợ. Những bước tiến này rất quan trọng và đã giúp cho các tổ chức cho vay an tâm hơn khi tài trợ vốn lưu động có bảo đảm bằng động sản cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp và Cục Đăng ký để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển các hoạt động cho vay có bảo đảm là động sản, bao gồm cả các sản phẩm về tài trợ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác khác với Bộ Tư pháp trong lĩnh vực liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu. Chúng tôi rất mong tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Bộ Tư pháp trong tương lai.