[links()]Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng nay, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật lần thứ 6. |
Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý
Theo Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, những tháng đầu năm 2012 kinh tế khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.
Tuy nhiên, trước tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn...
Đặc biệt, cử tri kiến nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý.
Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
UB T.Ư MTTQVN cũng cho biết, những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu.
Theo nhận định của cử tri, tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hoá, trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại tố cáo, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp và xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự. Đặc biệt, Quốc hội cần sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Quốc hội không “né” vướng mắc
Nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội (QH) là một trong những mục tiêu mà kỳ họp thứ 3 và QH khóa XIII hướng đến. Thẩm tra Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH” tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của QH ( diễn ra ngày 19/5), đa số các ý kiến cho rằng, “nên đổi mới nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật”.
Theo Đề án, một trong những giải pháp để nâng cao hoạt động lập pháp là không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án Luật, pháp lệnh không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sớm nâng cao chất lượng chất vấn Chính phủ (các Bộ trưởng, trưởng ngành) theo nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, chất vấn đến cùng để làm rõ bản chất các vấn đề được cử tri cả nước quan tâm; tăng cường hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp QH với sự tham dự rộng rãi, công khai của mọi người dân, bảo đảm để đại biểu QH có điều kiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng mọi tầng lớp dân cư…
Thảo luận về Đề án, ĐB Phùng Văn Hùng (Ủy viên UB Kinh tế) chỉ ra rằng, Đề án chưa đề cập đến việc đổi mới trong công tác dân nguyện trong khi các cơ quan chức năng của QH nhận được hàng nghìn đơn thư khiếu nại mà chưa giải quyết được. “QH là cơ quan dân cử không thể thoái thác trách nhiệm giải quyết các vấn đề người dân khiếu nại” – ĐB Hùng nhấn mạnh.
Muốn đổi mới hoạt động của QH một cách căn bản phải chờ đến khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được QH thông qua. Tuy nhiên, theo ĐB Đinh Xuân Thảo: “nếu chỉ vướng một số quy định của pháp luật mà không trái với Hiến pháp thì vẫn nên mạnh dạn sửa đổi, có thể bằng phương pháp “dùng một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành Nghị quyết để điều chỉnh”.
Tổng hợp các ý kiến đóng góp cho Đề án, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo chắt lọc những vấn đề có thể triển khai ngay trong kỳ họp QH tới. Đồng thời, Đề án phải tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức làm việc để vừa giảm bớt thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả làm việc của QH.
Theo kế hoạch, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH cũng được trình ra kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII.
Sớm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Theo Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí; sớm cụ thể hoá, thể chế hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. |
Bình An - Huy Anh