Thưa Thạc sĩ Ngô Đức Huy, như chúng ta đã biết Văn hóa kinh doanh là “kim chỉ nam” cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Vậy theo ông trong vai trò là một nhà nghiên cứu về văn hoá, những yếu tố cơ bản nào để hình thành, phát triển văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành giáo dục như ông đang theo đuổi hiện nay?
- Văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của một doanh nghiệp. Với doanh nghiệp chúng tôi thì luôn đi theo 05 yếu tố cơ bản để cấu thành văn hóa doanh nghiệp: Thứ 1, Tầm nhìn của doanh nghiệp; Thứ 2, Giá trị của doanh nghiệp; Thứ 3, Thực tiễn của doanh nghiệp; Thứ 4, Nhân sự của doanh nghiệp; Thứ 5, Kinh nghiệm và sức mạnh từ câu chuyện của doanh nghiệp.
Đặc biệt, một doanh nghiệp trong ngành giáo dục thì càng phải tôn trọng những văn hoá kinh doanh này. Thượng tôn pháp luật luôn là điều quan trọng khi chúng ta làm bất kỳ một việc gì… Vì sứ mệnh của chúng tôi là đào tạo ra những thế hệ tương lai của đất nước.
Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy trong buổi dạy học trên giảng đường Trường Đại học Trà Vinh
Người ta nói việc gì cũng cần đủ “cơ duyên”. Vậy con đường khởi nghiệp bằng doanh nghiệp về giáo dục đến với ông như thế nào? Khó khăn nhất ông từng trải qua khi chèo lái “con đò” này là gì? Qua đó, ông thấy Văn hóa doanh nghiệp có vai trò như thế nào cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp?
- Tôi nhớ mãi câu nói mà gia đình tôi dặn khiến tôi chọn nghề nhà giáo dù trước đó tôi đã có rất nhiều con đường khác: “Nếu con theo giáo dục thì sau này ra đường dù con có nghèo hay khi con về già người ta vẫn gọi con bằng thầy và đầy sự kính trọng.”. Và thế là tôi bỏ hết tất cả những lựa chọn khác để chọn chữ “Thầy”, tôi bắt đầu làm một nhà giáo dạy các học trò tại các trường đại học trong nước. Tôi thiết nghĩ nếu như mình chỉ dừng lại ở đây thì quá uổng phí, tôi quyết định thành lập công ty giáo dục cho riêng mình để nhân rộng việc đào tạo nhiều mảng giáo dục hơn nữa cho nhiều độ tuổi khác nhau. Sau đó nhờ chữ “Thầy” tôi tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu, phát triển con đường giáo dục cho đến hiện tại.
Dẫu vậy, cũng có rất nhiều khó khăn đối với tôi và cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non của mình, mà mỗi khi nhớ lại, đó đều là động lực thúc đẩy tôi phải nỗ lực hơn để gánh vác trách nhiệm của một Hiệu trưởng, một Giám đốc doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp trẻ thì công tác nhân sự, tài chính, điều hành và phát triển luôn thách thức với một người trẻ như tôi. Hơn nữa hai đợt dịch COVID-19 đã làm trì trệ quá trình hoạt động và khiến tôi phải tạm ngừng kinh doanh dài hạn. Sau hai đợt dịch COVID-19 thì đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Đây là những kỷ niệm khó quên và vất vả nhất mà doanh nghiệp chúng tôi đã trải qua. Có lẽ, đây cũng là những khó khăn chung mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng gặp phải.
Theo tôi, Văn hóa doanh nghiệp được ví như “linh hồn” của một doanh nghiệp. Nó không chỉ biểu thị cho văn hóa giao tiếp mà còn bao hàm tất cả các giá trị cốt lõi, quy tắc, phong cách quản lý hoạt động kinh doanh và hành vi, thái độ của các nhân sự trong công ty. Nó còn tạo nên lợi thế cạnh tranh và bản sắc khác biệt so với các công ty, doanh nghiệp khác. Văn hóa doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tạo nên sức mạnh bền vững, dễ dàng thu hút và giữ chân người tài trong nội bộ doanh nghiệp, thúc đẩy nhân viên gắn bó với tổ chức hơn. Nếu qua những biến cố xảy đến trong cuộc sống, một doanh nghiệp không giữ được nền văn hoá kinh doanh, đối xử tệ bạc với cán bộ, công nhân viên, đối tác thì chắc chắn doanh nghiệp chúng tôi sẽ không tồn tại được sau những biến cố ấy.
Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy là một người thầy giáo được rất nhiều thế hệ sinh viên kính trọng và quý mến – Ảnh chụp buổi học cuối cùng của các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt.
Là một doanh nhân nhưng mang trên mình sứ mệnh cao cả của “người lái đò”, vậy chắc chắn văn hóa doanh nghiệp của Công ty TNHH Giáo dục Bé Ngoan cũng rất đặc sắc. Ông có thể chia sẻ nét độc đáo về văn hóa doanh nghiệp của mình tới cộng đồng doanh nhân?
- Văn hoá doanh nghiệp chúng tôi là “Cho đi trước rồi nhận lại sau”. Tất cả doanh nghiệp được thành lập đều mong muốn mang lại giá trị kinh doanh khi vận hành. Mọi người đến với chúng tôi cũng thế, từ một bạn nhỏ được bố mẹ gửi vào nhà trường, một sinh viên mong muốn có được những kết nối giáo dục, một người trưởng thành mong muốn có những công việc tốt, những công nhân viên mong muốn có một nền tảng kiến thức tốt hơn… Tất cả những trường hợp trên, doanh nghiệp chúng tôi phải trao cho họ những kiến thức sơ đẳng trước hết để phù hợp với hoàn cảnh từng người.
Chúng tôi đào tạo đội ngũ của mình thật hoàn thiện và mất rất nhiều thời gian, có người sau khi được đào tạo họ ở lại cùng chúng tôi, có những người ít duyên hơn họ bỏ chúng tôi và phát triển theo con đường khác. Dù xảy ra bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cũng đều dặn các đồng nghiệp của mình hãy cho đi và đừng toan tính. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...” - lời ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Từ nền tảng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ vài ý kiến để góp phần xây dựng nên hệ thống giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam. Từ đó phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm và có tầm, thể hiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế?
- Từ nền tảng văn hoá doanh nghiệp “Cho đi trước rồi nhận lại sau” với mong muốn đào tạo nên những con người mang lại lợi ích cho tổ quốc. Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày để tạo ra những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Mỗi một năm học trôi qua, từng thế hệ học trò ra trường đều mang lại rất nhiều cảm xúc cho doanh nghiệp giáo dục chúng tôi. Chắc vì người Việt Nam có truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Lá lành đùm lá rách” mà nền văn hoá kinh doanh Việt Nam luôn được phát triển trong mỗi doanh nghiệp. Hơn nữa hình ảnh người Việt Nam cần cù, hy sinh, nỗ lực trong công việc từ thực thế cho thấy thế hệ doanh nhân trẻ có tâm và tầm sau này hoàn toàn có thể sánh vai trên thị trường quốc tế. Hình ảnh một doanh nghiệp Việt Nam luôn tương trợ lẫn nhau trên thị trường quốc tế luôn là điều ấn tượng trong tôi. Từ những cái bắt tay của người đồng hương trên đất nước bạn mỗi khi tôi tham dự sự kiện quốc tế khiến tôi không thể nào quên được và không nhầm lẫn bởi bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào khác. Cái bắt tay ấy, cái nụ cười chào nhau ấy, cái con người nhỏ nhắn máu đỏ da vàng ấy khi doanh nghiệp Việt Nam tự tin gặp nhau trên thị trường quốc tế.
Vâng! Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!